Thứ Hai, 2 tháng 7, 2012

TÊRÊXA - MÁI TRƯỜNG NGÀY ẤY...


            Trong cuộc đời đi học của tôi, thời gian 3 năm đầu tiên tại trường Tư Thục Trung Tiểu học Thánh Têrêxa, do quý Soeurs dòng Thánh Phaolô quản trị, đã ghi vào tâm hồn tôi những trang đẹp đẽ và nhiều kỷ niệm khó phai nhoà.

            Đó là khoảng thời gian từ năm 1972 đến 1975. Một buổi sáng mùa thu, ba tôi dắt tay tôi bước vào cổng trường. Biết bao cảm xúc xốn xang, lạ lẫm của “ngày đầu tiên đi học”, đúng như dòng cảm xúc mà nhà văn Thanh Tịnh đã tài tình nói hộ cho những đứa trẻ ngày đầu tiên đến trường. Vào Văn Phòng mua sách tập đồ và viết chì xong, ba tôi đưa tôi đến lớp học. Tôi bịn rịn rơi nước mắt níu áo ba tôi khi người quay về để lại tôi trước thềm lớp học. Thế rồi có một Soeur đến vuốt đầu tôi và dẫn tôi vào lớp. Đó là lớp Mẫu Giáo do cô Ngọc chủ nhiệm. Lên lớp trên, tôi còn được học với cô Giáo và một vài Soeurs nữa…       
  
            Trường Thánh Têrêxa Tân Hương ngày xưa nguyên là ngôi trường do Cố Hiền (Jules Alberty-cha sở giáo xứ Tân Hương 1913-1948) xây dựng từ năm 1931, tọa lạc trên khu đất bên hông phải nhà thờ Tân Hương. Đến đầu năm 1932, trường do các nữ tu Mến Thánh Giá Bình Định lên phục vụ, dạy văn hoá cho các em người Kinh lẫn Dân tộc. Đến niên khoá 1940-1941, trường được chuyển giao cho các Nữ tử Bác ái Vinh Sơn phụ trách, mở các lớp xoá mù chữ và tiểu học, dạy may, thêu, nữ công gia chánh…

            Năm 1958, thị xã KonTum khá phát triển, dân số tăng nhanh, nhu cầu văn hoá ngày càng cao, Toà Giám Mục Kon Tum quyết định mở rộng trường tư thục Têrêxa, nâng lên bậc Trung học, xây mới lại hoàn toàn cơ sở trường lớp ngay tại vị trí trường PTTH Kon Tum bây giờ. Năm 1958 cũng là năm hội dòng Thánh Phaolô đáp ứng lời mời gọi của Đức Giám Mục Giáo phận Paul Seitz Kim, gởi các nữ tu lên Kon Tum phục vụ. Đức Cha liền giao cơ sở trường Têrêxa mới này cho các Soeurs Phaolô quản trị. Nhà các Sơ (tu viện) là một toà nhà hai tầng toạ lạc liên thông với nhà trường nên rất thuận tiện trong việc điều hành. Cộng đoàn của các Soeurs vì vậy mà cũng mang tên Thánh Têrêxa (Hài Đồng Giêsu), vị thánh nữ truyền giáo bằng cuộc đời nhỏ bé, thầm lặng nhưng kết hiệp thâm sâu với Chúa Giêsu.

Trường có đầy đủ tiện nghi cần thiết cho việc dạy và học. Ngoài một văn phòng nơi cung cấp sách vở, dụng cụ học tập, còn có một hội trường khá lớn có sân khấu. Cứ đến cuối năm học, trong buổi lễ tổng kết phát thưởng, các lớp đều tham gia diễn văn nghệ tại sân khấu này. Ba dãy lớp học thoáng rộng, có sân chơi với những hàng cây phượng và huynh diệp râm mát. Sỉ số mỗi lớp học hợp lý, không quá đông…Ngoài các môn học chính khoá, nhà trường còn có các lớp nữ công gia chánh do chính các Soeurs hướng dẫn như thêu đan, làm hoa giấy, cắt may… và nhiều việc thủ công khác. Cách tổ chức và quản trị học vụ của quý Soeurs Têrêxa thời ấy thật hoàn hảo, kỷ luật học đường nghiêm chỉnh, đội ngũ giáo sư uy tín…

            Tôi còn nhớ mãi hình dáng nhỏ nhắn, nét mặt hiền hậu của Bà Nhất Hiệu trưởng Marie Paul Võ Thị Mỹ. Tôi không sao quên được chữ ký đậm chắc đầy uy lực của Bà Nhất Hiệu trưởng trong Thông Tín Bạ (Học Bạ bây giờ) và trên Bảng Danh Dự (một loại giấy khen) cấp hàng tháng cho các học sinh có vị thứ nhứt, nhì, ba trong lớp. Tôi vẫn nhớ cảm giác vui sướng mỗi khi được xướng tên lên cột cờ lãnh Bảng Danh Dự. Đó thật sự là niềm hãnh diện đối với bạn đồng học tại trường, còn khi về nhà thì đem trình khoe với ba má và ông nội để được ông thưởng cho 5 đồng xu ăn quà. Tôi nhớ cả gương mặt các Souers dạy học hay giám thị như bà Bernadette, Madelenne…

            Mặc dù rất bận rộn với công tác học đường, các nữ tu vẫn không quản ngại hết mình phục vụ trong những công tác tông đồ tại giáo xứ Tân Hương. Không những chỉ dạy văn hoá, các nữ tu còn chăm sóc đời sống tinh thần, đạo đức và dạy giáo lý cho các em. Vào thời đó, mỗi sáng Chúa nhật chúng tôi được học giáo lý bên trường Têrêxa, do các nữ tu và một số giáo lý viên giáo xứ hướng dẫn. Sau mỗi giờ giáo lý bên trường, chúng tôi được hướng dẫn đi theo hàng trật tự sang nhà thờ dự thánh lễ dành cho thiếu nhi, ngang qua một cánh cổng nối liền phía sau nhà thờ. Sơ Nghĩa, Sơ Huê…là những người đã ươm mầm đức tin tuổi ấu thơ, đưa chúng tôi đến với bí tích Thánh Thể qua lớp xưng tội rước lễ lần đầu, và những lớp giáo lý tiếp theo.

Về sau tôi được biết thêm những điểm nổi bật nhất trong những năm phát triển của cộng đoàn Têrêxa Tân Hương là những công tác tông đồ trong giáo xứ: dạy giáo lý thiếu nhi, giáo lý hôn nhân, sinh hoạt Nghĩa binh Thánh Thể, đạo binh Đức Mẹ (Legio Mariae), phụ trách ca đoàn, lo phòng thánh, thăm viếng an ủi các gia đình, những người già yếu bệnh hoạn và dạy tân tòng…

Sau 1975, tôi phải tạm xa ngôi trường yêu dấu, vì ngôi trường đã bị Nhà Nước trưng thu. Các Sơ Têrêxa cũng không còn quản trị học vụ tại trường mà buộc phải âm thầm lui về tu viện, bắt đầu cuộc sống mới trải qua biết bao thăng trầm…Từ đây, ngôi trường thuộc quyền Nhà Nước được sử dụng làm trường Cấp 3, không còn dành cho cấp tiểu học.Tôi cũng phải bắt đầu cuộc đời đi học đầy gian khổ qua nhiều ngôi trường khác nhau như trường Ngô Quyền (trường Công-Kon Tum cũ, lớp 3), trường Quyết Thắng 3 (Bồ Đề cũ, lớp 4), trường tạm Nông Lâm Súc (trại Nguyễn Huệ cũ, lớp 5), trường Lý Tự Trọng (Hoàng Đạo cũ, lớp 6 đến 9). Lên cấp 3 tôi mới có dịp học lại trường Têrêxa, vẫn mái ngói tường vôi cũ rêu phong và những hàng phượng nay đã già cỗi lại tiếp tục cùng tôi lèo lái con đò học vấn. Vào những buổi tan học hay những giờ ra chơi ngồi suy nghĩ vẩn vơ, nhìn về hướng nhà các Soeurs bị ngăn cách với ngôi trường bởi một tường rào phủ kín dây leo hoa tigôn,  những kỷ niệm thuở đầu đời đi học lại hiện về, không chỉ là những hoài niệm, mà cả sự kính phục mến yêu đối với những con người đã nguyện hiến trọn đời mình cho việc truyền giáo, mà quý Soeurs Têrêxa như những “kỹ sư tâm hồn” giúp khai mở và vun trồng tri thức-đạo đức làm người.

            Ngày nay, các nữ tu Phaolô – cộng đoàn Têrêxa Tân Hương vẫn tiếp tục sứ mạng truyền giáo, luôn vui vẻ nhiệt thành phục vụ, góp phần xây dựng giáo xứ và giúp cho giáo hữu Tân Hương được sốt sắng và đến gần Chúa hơn, đồng thời mở rộng địa bàn phục vụ đến những anh chị em vùng sâu vùng xa, các làng dân tộc. Xin cảm ơn quý Soeurs thật nhiều! Xin cảm ơn Têrêxa – ngôi trường ngày ấy…

---o0o---

Nhân kỷ niệm 50 năm hiện diện và phục vụ
tại giáo xứ Tân Hương – Kon Tum
của quý nữ tu dòng Thánh Phaolô, cộng đoàn Têrêxa.
                                                                                           
                                                                                               Phêrô Lê Minh Sơn

NHÀ THỜ XỨ TÔI



Nhà thờ Tân Hương, giáo phận Kon Tum

Khi tôi sinh ra, ngôi Nhà thờ đã có từ rất lâu rồi. Ba má, chú bác, cô dì tôi chào đời, đều được ông bà nội–ngoại đưa đến Nhà thờ lãnh nhận Phép Rửa tội. Ông nội tôi từ đồng bằng lên Kon Tum hồi còn niên thiếu, có lẽ ông Cụ đã hoà vào dòng người gồng gánh thượng sơn vào cái thời Đạo bị cấm cách dưới miền xuôi, theo con đường Thầy Sáu Do khai mở.

Sau này chúng tôi có hỏi ông về họ hàng thân thích dưới quê, ông chỉ mỉm cười, không còn nhớ một ai! Chỉ biết quê quán ở Đồng Hâu, tỉnh Bình Định, một mình theo lên giúp các Cha từ nhỏ.

Rồi ông nội tôi sánh duyên với một thiếu nữ cùng làng, nết na thuỳ mị, con gái của ông Trùm Họ Gò Mít (Trùm Tài), cũng là Chánh tổng Tổng Tân Hương thời đó (tiền thân thành phố Kon Tum ngày nay). Hai người chịu thương chịu khó, khai khẩn lập điền, tạo dựng nhà cửa. Đứa con đầu lòng ra đời (mang tên thánh Martial) được ĐGM tiên khởi giáo phận Kon Tum (lúc đó còn là linh mục) rửa tội và đỡ đầu, hai người liền hiến dâng cho Chúa để trở thành Linh mục. Ông nội tôi qua đời năm 1975 ở tuổi 97.

Tôi kể đôi điều về ông bà tôi, để hiểu vì sao cuộc đời tôi đã gắn bó với làng quê Tân Hương và với ngôi Nhà thờ giáo xứ tôi.

Năm lên 12 tuổi, tôi xin vào Hội giúp lễ. Ngày ngày gần bên cung thánh mới có dịp khám phá về ngôi Nhà thờ. Trong trí óc trẻ thơ, ngôi Nhà thờ là một công trình thật vĩ đại và tôn nghiêm. Dần dần tìm hiểu tôi mới biết đây là ngôi Thánh đường thứ tư của giáo xứ còn đến ngày nay, được xây dựng vào năm 1906, do Cố Ngự (Demeure) Cha xứ lúc đó đốc công. Giáo dân Kinh-Thượng phải dùng voi, trâu bò, ngựa...kéo gỗ tận cánh rừng bên kia sông Dakbla, xuôi dòng cập bờ, rồi vượt dốc, chuyển về từng cây gỗ, thuê thợ giỏi tận dưới Bình Định, Quãng Ngãi lên đục đẽo, xây dựng.

Qua thời gian, Nhà thờ được sửa sang nhiều lần, cho đến hôm nay thì đã hoà trộn giữa ba lối kiến trúc Châu Âu, Thượng và Kinh. Nhà thờ có diện tích sử dụng hơn 750m2, được làm bằng các loại gỗ quí hiếm như cà chích, sao...Mái dốc đỉnh nhọn, cửa sổ kính và 3 tháp cao đỉnh nhọn, trần vòng cung... tạo ra không gian bên trong rộng lớn và gây cảm giác cuốn hút con người lên cao. Khung cảnh nội thất yên tĩnh tạo ấn tượng nhẹ nhàng, thanh thoát vừa hướng tới siêu tại, vừa say đắm với thực tại. Trần vòng cung được trét đất trộn rơm, nhằm giữ cho âm thanh trong Nhà thờ ấm và vang.  Mặt tiền Nhà thờ có tháp gạch cao 20m (tháp chuông), kiến trúc theo kiểu gô-tích, nhìn thanh thoát nhưng không kém vẻ uy nghiêm. Hai bên tháp chuông có 2 bức phù điêu, cẩn những mảnh sứ màu lóng lánh: bức bên phải là hình Tổng lãnh thiên thần Micae chiến thắng Con Mãng Xà – tên địch thủ xa xưa kiêu căng đòi đồng hàng với Thiên Chúa (x.Kh 12), như muốn khẳng định chân lý: không ai có thể làm nổi những công việc mà chỉ có Thiên Chúa mới làm được; bức bên trái vẽ hình Thánh Mác-ti-nô hồi còn là một sĩ quan La Mã, ngồi trên lưng ngựa rút kiếm ra xẻ đôi chiếc áo choàng đang mặc, trao cho người ăn mày một nửa, nêu mẫu gương bác ái yêu thương, lúc nào cũng sẵn sàng giúp đỡ mọi người, nhất là những người nghèo khổ.

Trên các cánh cửa ra vào, các khung cửa sổ, các cột bên trong Nhà thờ, lan can lầu chuông, bao lơn cung thánh, bàn thờ, Nhà Tạm... được chạm trổ hết sức công phu theo kiểu rô-man, lộng lẫy và tráng lệ. Sàn Nhà thờ cao hơn 1 mét với lối ra vào hai bên hông và phía sau xây theo kiểu nhà chồ có bậc cấp lên xuống, mang sắc thái nhà sàn của đồng bào Tây Nguyên. Ngạc nhiên nhất là những hàng cột. Những cột gỗ to tròn bóng loáng tưởng chừng như soi gương được, mát lạnh khi sờ vào. Mỗi cây cột lớn có ba cột con bám vào, có  bồn đỡ bằng gỗ chạm hình cành lá vạn tuế, được sơn phết màu nhũ với đường viền đỏ, tựa trong một cung điện.

Tại vị trí cao nhất trên cung thánh là đài Nữ Vương Rất Thánh Mân Côi, bổn mạng giáo xứ. Tượng Đức Mẹ bồng Chúa Giêsu tay cầm tràng hạt hết sức tinh xảo, trông tuyệt đẹp. Hồi đó, tôi hằng ước ao có cách nào để được đến gần Đức Mẹ, được chiêm ngắm tường tận và sờ tay vào tà áo xanh có nước sơn bóng loáng bụi không thể bám vào dù qua năm tháng.

Nhà thờ vẫn còn giữ một cây đờn Harmonium, được sản xuất vào năm 1897 bên Pháp. Có lẽ cây đờn được sắm từ thời Cố Hiền (đầu thế kỷ XX), dễ chừng gần trăm năm.

Dưới cuối nhà thờ, tại hai cột lớn sau cùng gần cửa ra vào, có hai vỏ ốc lớn dùng đựng nước thánh, lâu năm nên ố vàng. Mỗi vỏ ốc đại ấy đặt trên một cột con có đế đỡ chạm trổ. Hàng tuần chúng tôi phải cọ rửa và thay nước thánh trong hai vỏ ốc, để giáo dân khi vào Nhà thờ, thường nhúng ngón tay vào nước thánh rồi mới làm Dấu Thánh giá.

Nếu chọn một góc nhìn nghiêng từ phía trước tiền đường, ta thấy ngôi nhà thờ uy nghi vươn lên vững chắc, có một vẻ đẹp độc đáo riêng. Đường nét giản dị, không rối rắm cầu kỳ, tổng thể ngôi nhà thờ tạo nên một cảm giác cân bằng nội tại, bình ổn vững chãi.

Tôi có một kỷ niệm với tháp chuông Nhà thờ, mà bây giờ nghĩ lại nhiều lúc vẫn thấy mình thật liều lĩnh!

Hối ấy lễ sinh chúng tôi thường quét dọn nhà thờ, sửa soạn phòng thánh vào khoảng 12 - 13 giờ trưa thứ Bảy hàng tuần. Hôm đó chúng tôi gồm Hoan, Linh, Sơn., Tuấn, Đạm, Trung…, và tôi quyết định thám hiểm tháp chuông. Cửa cầu thang lên lầu chuông đã bị khoá. Chúng tôi phát hiện có một lối lên từ phía sau phòng áo. Thế là chúng tôi leo lên, chui vào trần nhà, mon men theo những tấm ván hẹp lót dọc trên đà. Phía dưới và chính giữa là trần vòm trét đất nhô lên sần sùi, đầy bụi bặm. Phải thật cẩn thận, nếu không sẽ rơi xuống làm thủng vòm trần. Đến đầu bên kia phía cuối nhà thờ, lòn qua một cửa nhỏ, thế là lọt vào lầu chuông, liền nhìn thấy hai dây kéo chuông bằng thừng thật to từ trên tháp thòng xuống đến tận sàn. Từ đây, sau khi nhìn xuống sân nhà thờ qua các ô cửa sổ nhỏ hình vòng cung, chúng tôi tiếp tục hành trình đầy mạo hiểm: leo lên theo khung giàn gỗ thẳng đứng, lên đến chỗ đặt 2 chiếc chuông. Chuông lớn ở dưới, chuông nhỏ bên trên. Ngồi trên những thanh gỗ của đế chuông, thõng chân đong đưa, vừa để nghỉ mệt, tay vừa mân mê 2 quả chuông đồng mát lạnh, một lớn một nhỏ. Hai quả chuông mà âm thanh ngân vang đã quá quen thuộc đối với người dân thị xã, nếu giật cùng một lúc sẽ vang lên âm thanh chuẩn đúng một quãng ba: Đô-Mi-Sol, Đô-Mi-Sol, Đô-Mi-Sol...

Nghỉ mệt một chút, tiếp tục lên nữa chúng tôi đến được đỉnh tháp. Chui qua một lỗ nhỏ, thò đầu ra ngoài, ngay bên trên là cây Thánh giá chóp đỉnh Nhà thờ. Sau một phút choáng ngợp và thoáng rùng mình, trước mắt chúng tôi hiện ra toàn cảnh một vùng rộng lớn của thành phố: dòng sông Đakbla uốn lượn phía trước mặt với cây cầu bắc qua, nhà thờ Chính Toà ở hướng tay trái, rồi Chủng viện, khu chợ trung tâm, đường phố nhà cửa.v.v.Đối với tôi, được lên đến đỉnh tháp nhà thờ là niềm sung sướng nhất, và đó cũng là lần duy nhất trong suốt quãng đời tôi.

Khi lần lượt leo xuống trở lại, chúng tôi nghe có tiếng cha sở trong phòng áo. Ngài đã phát hiện và thu gom tất cả dép của chúng tôi mang vào nhà xứ. Từng đứa từng đứa chúng tôi vào gặp cha sở đều được Ngài răn dạy về sự nguy hiểm của hành động vừa rồi, và “thưởng” cho mỗi đứa một roi mây quất thẳng vào lưng. Có mấy đứa khóc thét lên. Riêng tôi, vết roi mây đã hằn vào tâm hồn một kỷ niệm êm đềm, cùng với tháp chuông Nhà thờ, vị cha sở kính yêu và bài học về tính ngông cuồng tuổi thơ dại.
           
Tôi yêu ngôi Nhà thờ xứ tôi. Ngôi Nhà thờ đã góp phần xây dựng đền thờ tâm hồn tôi, dù tâm hồn tôi nghèo nàn bất xứng. Mỗi lần đi đâu xa, tôi luôn nhớ về Nhà thờ, nhớ khung cảnh thánh lễ trang trọng, bầu khí cộng đoàn ấm cúng. Để đến khi trở về, lúc xe vừa chạy qua ranh giới hướng vào thị xã, từ bên này dòng sông Đakbla yêu dấu, nhìn chếch hướng Đông, đã thấy sau lũy tre đung đưa trong gió ngôi tháp Nhà thờ và Thánh giá sừng sững trong nền mây xanh trắng, thì tự nhiên trong lòng dâng lên một cảm xúc khó tả, giống như cảm xúc của đứa con đi xa sắp về đến nhà cha mẹ. Chỉ khi mấy hôm sau đến dự thánh lễ, niềm cảm xúc mới dần nguôi ngoai.
Tôi thầm tạ ơn Chúa, tri ân các vị tiền nhân đã chịu bao hy sinh gian khó để xây dựng nên ngôi Nhà thờ xứ tôi. Tôi đội ơn các bậc tiền hiền, ông bà, cha mẹ đã yêu quí và gắn bó với Nhà thờ, để đức tin được lưu truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác. Ngày chị tôi cử hành hôn phối, tôi chạy lăng quăng theo đoàn rước cô dâu chú rể, trong tiếng nhạc hân hoan thánh thiện, cứ vô tư cười nói, mà quên hẳn là đoàn rước đang tiến lên cung thánh. Rồi hôm đưa tiễn ba của tôi lần cuối, tôi đứng tựa nép vào cột Nhà thờ, nước mắt chảy ròng trên má, mà nghe trong tâm hồn biết bao lời an ủi. Đứa con trai đầu lòng của tôi chào đời đúng vào dịp mừng kỷ niệm Nhà thờ tròn 100 năm tuổi. Đứa bé được đưa đến Nhà thờ để lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, bắt đầu một hành trình đức tin mớiTôi cầu mong cho ngôi Nhà thờ xứ tôi còn tồn tại mãi, làm chỗ dựa tinh thần cho nhiều thế hệ con cháu nữa, không chỉ của giáo dân Tân Hương mà còn của mọi người dân Kon Tum. Không phải tôi hoài cổ. Nhưng như câu hát người đời vẫn thường nhắc nhau xin đừng bao giờ quên lãng:    
       
“Quê hương...
  Nếu ai không nhớ
              Sẽ không lớn nổi thành người”*.


Bên trong Nhà thờ Tân Hương


*Thơ: Đỗ Trung Quân, Nhạc: Giáp Văn Thạch

    Kỷ niệm Nhà thờ giáo xứ,
Phêrô Lê Minh Sơn