Thứ Ba, 6 tháng 5, 2014

THÀNH PHỐ KON TUM CẦN CÓ MỘT CON ĐƯỜNG MANG TÊN “NGUYỄN DO”



THÀNH PHỐ KON TUM CẦN CÓ MỘT CON ĐƯỜNG 

MANG TÊN “NGUYỄN DO”


Tượng đài Cha P.X Nguyễn Do (1823-1872)
đặt trước nhà xứ Tân Hương


THÀNH PHỐ KON TUM CẦN CÓ MỘT CON ĐƯỜNG
MANG TÊN “NGUYỄN DO”

Kon Tum mừng kỷ niệm 100 năm thành lập tỉnh (1913 - 2013). 100 năm, ấy là tính từ thời điểm ngày 09/02/1913, ngày Toàn quyền Đông Dương ra nghị định chính thức thành lập tỉnh Kon Tum, dưới tên gọi “Tỉnh Mọi Kon Tum” (Province moï de Kontum) (1), trên cơ sở tái lập vùng lãnh thổ thuộc tỉnh Pleiku Der cũ, bao gồm Đại lý Kon Tum (trung tâm hành chính Kon Tum) tách từ tỉnh Bình Định, Đại lý Cheo Reo tách từ tỉnh Phú Yên, và Đại lý Đăk Lăk (giảm từ cấp tỉnh xuống thành cấp Đại lý). Thực ra, trước đó từ hơn nửa thế kỷ, từ nửa đầu thế kỷ XIX (năm 1842-1848), nhiều lớp tiền nhân đã đặt chân lên Cao Nguyên, đã cùng với đồng bào các dân tộc bản địa lo tạo dựng, tổ chức hình thành nên Kon Tum, trước khi chính quyền Pháp đến, họ đến chỉ là tiếp tục công việc đã khởi đầu.

Trong tất cả các tài liệu chính thống viết về việc hình thành Kon Tum từ trước đến nay, đều trân trọng ghi nhận một người trẻ tuổi, can đảm, thông minh, tháo vát…đã làm gạch nối góp phần quan trọng khai mở tấm màn kín thượng du Kon Tum nối với đồng bằng, để Kon Tum từ đấy hoà nhập với cả nước. Con người này mang sứ mệnh truyền đạo Công giáo lên Tây Nguyên, và suốt trọn cuộc đời đã gắn bó với Kon Tum, góp phần tạo lập nên những làng mạc, nông trại đầu tiên trên miền đất này giúp ổn định cuộc sống cho dân chúng, và từ những cơ sở ban đầu đó, Kon Tum dần dần phát triển để có diện mạo như ngày nay. Người đó chính là Nguyễn Do, tức thầy sáu Do hay linh mục Nguyễn Do, Cha Do; hay Bok Lành như người dân tộc Thượng nơi đây thường gọi – rất cụ thể theo bản tính hiền lành của ngài.

Công việc làm, đức hạnh, những đóng góp của Cha Do đối với Kon Tum, chúng ta có thể đọc thấy trong rất nhiều tác phẩm đã xuất bản: từ những chứng từ của các đồng sự trong cuộc, của những người đương thời, và cả những ghi chép, tìm hiểu đối chứng của kẻ hậu sinh bao gồm các học giả Tây-Việt, đồng bào Kinh-Thượng, Lương-Giáo, cùng hàng trăm bài báo, bài nghiên cứu in trong các tạp chí, báo chí từ trước đến nay…Có thể kể một số tác phẩm có giá trị lịch sử như: Les Sauvages Bahnars (P. Dourisboure, Paris 1929; bản dịch “Dân Làng Hồ”, Saigon 1972; TGM Kon Tum tái bản, NXB Đà Nẵng 2008), Hạnh Đức Cha Thể (R.P.Tardieu, nhà in Lang-song, Quinhon 1907), Hlabar Tơbang (ấn bản tiếng Bahnar, nhà in Hnam trưng Cuénot, Kon Tum - từ 1911), Mở Đạo Kontum (P. Ban và S. Thiệt, nhà in Quinhon, 5.1933), Kontum tỉnh chí (Võ Chuẩn, Nam Phong Tạp Chí số 191-194, 10/1933-05/1934), Mọi Kontum (Nguyễn Đổng Chi và Nguyễn Kinh Chi, nhà in Mirador - Huế 1937), Cao Nguyên Miền Thượng (Cửu Long Giang - Toan Ánh, Sài gòn 1974).v.v.; các bài viết trong các tạp chí trước đây như Đô Thành Hiếu Cổ (Bulletin des Amis du Vieux Huế), Phụ nữ ngày nay…; một số sách và tạp chí sau 1975 như Tạp chí nghiên cứu tôn giáo (Viện nghiên cứu tôn giáo).v.v.

Tựu trung các tài liệu đều khẳng định vai trò tiên phong của Cha Do, xét trên cả 2 bình diện: truyền đạo Công giáo đến với đồng bào Thượng, và qui tụ lớp người Kinh đầu tiên hình thành nên làng Tân Hương - làng người Kinh đầu tiên của tỉnh Kon Tum, tiền thân thành phố Kon Tum ngày nay (2). Đánh giá bao trùm trong các tác phẩm này là Cha Do là một con người đạo đời hài hoà, được mọi thành phần dân chúng Kon Tum thương mến, kính phục.

Vậy Cha Do là ai? Chúng ta có thể lược lại đôi dòng tiểu sử, tuy chưa thật đầy đủ nhưng khá chân thực, được hai tác giả Nguyễn Kinh Chi và Nguyễn Đổng Chi (giải thưởng Hồ Chí Minh 1996) ghi lại trong tác phẩm “Mọi Kon Tum”, xuất bản năm 1937. Theo đó, trong lớp người Kinh đầu tiên lên Kon Tum “có cha Do là người có công lao hơn cả, lịch sử đáng kể lại để làm gương cho người sau”.

“Nguyên xưa cha Do là con một nhà mộ đạo Thiên Chúa ở làng Đồng Hâu, phủ Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Người có tính hiền hậu, thông minh và nhẫn nại. Thuở nhỏ được chọn đi học trường cố ở đảo Pinang, đậu đến chức thầy năm. Sau trở về tỉnh nhà được vào sở Gò Thị giúp việc cho các cha cố.
Vào khoảng cuối niên hiệu Thiệu Trị và đầu niên hiệu Tự Đức ở nước ta có lệnh bắt đạo một cách dữ dội. Người giáo phải trải qua một thời kỳ khủng bố gớm ghê. Buổi ấy vị giám mục Cuénot ở Gò Thị muốn kiếm một chỗ ở trên dãy Trường Sơn, trước để cha cố lên giảng đạo cho người thổ trước trên ấy, sau để giáo dân có nơi tị nạn. Nhưng thời bây giờ, ngoài con đường An Sơn, mà đã có lính phòng triệt nghiêm nhặt, thời không có nẻo nào lên Mọi được nữa. Vị giám mục bèn uỷ thác cho thầy Do đi kiếm một con đường khác lên Mọi để khỏi tiết lộ mưu cơ ra.
Thầy Do chẳng quản khó nhọc và gian nan, khi trá hình làm đầy tớ, khi tự làm nhà lái buôn, lên Mọi xem xét tình thế và kiếm ra một lối mới ở Trạm Gổ (phía bắc An Khê) (3).
Kiếm ra được đường lối rồi, thầy Do về trình cho kẻ bề trên và dẫn các cố cùng người tuỳ tùng lên. Thầy cũng ở lại giúp việc.
Năm 1852, thầy Do trở về Bình Định, học thêm và thi đậu chức thầy cả. Đường đường một vị linh mục, cha Do mới trở lên Kontum, cùng các cố Tây, đem hết tài lực ra thi thố: nào giảng đạo, nào lập làng, nào dạy vẽ cày bừa cho người Mọi.
Cha Do ở luôn trên Kontum hơn 20 năm. Đến năm 1872, thụ bịnh nặng, phải trở xuống đồng bằng và qua đời ở cố hương.
Cha Do chẳng những là một vị linh mục lỗi lạc mà lại là một tay ngoại giao khôn khéo. Thì như khi ra về Annam, là lúc đã bị thần chết nắm tánh mạng rồi, thế mà muốn lấy cảm tình của dân Mọi đối với người Nam ta làm ăn trên đó, cha Do còn cho giết voi khoản đãi họ. Người Mọi ngày nay vẫn còn nhắc đến luôn. Họ thường khen rằng: “Bok Lanh rơgei jat manat kon nhôn bi tui” (Ông Lành có lòng rộng rãi thương chúng ta khôn cùng).
Người Pháp cũng khâm phục tài đức cha Do lắm. Chúng tôi xin thuật lời khen sau này của hai vị truyền giáo để chứng thực việc ấy. Cố Dourisboure, là bạn thân của cha Do, có nói rằng: “Đứng trước những cảnh ngộ khó khăn mà người khác chắc phải ngã lòng nản chí, thời lòng phấn đấu của ông ấy tăng lên bội phần. Tôi đã từng thấy người đó gặp nhiều điều nguy hiểm mà vẫn bình tĩnh như không có sự gì xảy đến”. Ông giám mục Charbonnier thời nói rằng: “Cha Do là người đầu tiên trong bọn thợ lên đắp nền xây móng cho Hội Thánh xứ mọi mường, vừa mới tạ thế năm nay. Thật là một sự thiệt hại lớn cho chúng ta. Ông ấy là một vị linh mục siêng năng., làm việc không quản mệt nhọc, mà nhất là những lúc phải làm rạng danh Đức Chúa Cha thời không có điều khó gì là ổng không làm được. Danh tiếng lừng lẫy khắp nơi, chẳng những người bên giáo thương yêu mà người bên lương cũng kính trọng…”.
Đến năm 1907, bổn đạo Kon Tum cất hài cốt cha Do ở Đồng Hâu lên táng ở nghĩa địa Kon Tum, để tỏ lòng thương nhớ ân nhân lớn của họ (4).
Rút lại mà nói thời cha Do chẳng những làm rạng danh cho mình mà lại làm vẻ vang cho tổ quốc biết bao!”.
(x. Nguyễn Kinh Chi và Nguyễn Đổng Chi, “Mọi Kontum”, NXB Mirador Huế 1937, tr. 9-11).

Có một điều rất trăn trở và cũng thật buồn đó là cho đến hiện nay, thành phố Kon Tum chưa có con đường nào mang tên vị ân nhân này. “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” là đạo lý từ ngàn đời của dân tộc Việt. Thành phố Kon Tum ngày nay có hàng trăm con đường mới được mở ra, nhiều con đường mang tên những nhân vật lịch sử địa phương, mà nhiều cái tên hẳn còn xa lạ với đa số quần chúng. Nhân vật lịch sử thì không nhất thiết phải là danh nhân, nhưng mỗi người đều có vai trò riêng trong một bối cảnh lịch sử nhất định. Trong bối cảnh của Kon Tum thời kỳ sơ khai, Cha Do – với 24 năm (1848-1872) sống và làm việc ngay tại trung tâm Kon Tum, đã đóng góp một vai trò khá quan trọng.

Một điều không bình thường, là khi đề cập đến vấn đề này thì từ các cấp các nghành đến các vị lãnh đạo chính quyền thường có tâm lý “né tránh”. Có lẽ đây là sự lúng túng xuất phát do định kiến có sẵn,  cho rằng các giáo sĩ và giáo dân truyền  đạo lên Kon Tum đã đóng vai trò “khai phá đường đi” cho chủ nghĩa thực dân phương Tây xâm nhập lên Kon Tum. Đây là một đánh giá sai lạc của một số người nào đó hoặc một số vị trong chính quyền, chứ không phải của giới sử học.Trên thực tế, thực dân Pháp chiếm Việt Nam vào nửa sau thế kỷ XIX, khi chế độ phong kiến Việt Nam đã trở nên suy yếu, và sau khi đánh chiếm được Sài Gòn và các tỉnh miền Đông Nam Bộ (1862), thì việc Pháp dòm ngó và tiến lên Tây Nguyên là một diễn biến tất yếu khách quan. Trong bối cảnh lịch sử ấy, song song với quá trình xâm nhập của thực dân Pháp, cũng đúng vào thời điểm các giáo sĩ và giáo dân trong lúc chạy trốn sự bắt đạo của triều đình nhà Nguyễn, đã mở đường lên Kon Tum tìm nơi định cư và thực thi lý tưởng truyền giáo của họ. Lý tưởng truyền giáo này đã được Đức Giám Mục Cuénot Thể ấp ủ từ rất lâu (1838-1839) , từ trước khi quân Pháp đặt chân lên đất Việt Nam. Trên bình diện rộng hơn, theo các nhà sử học : “Cũng như vậy, cho rằng giáo sĩ  Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes) hay giám mục Bá Đa Lộc (Pigneax de Béhaine) làm môi giới giữa Pháp và triều Nguyễn là những tên thực dân phản động lại càng sai lầm hơn về mặt quan điểm lịch sử. Bằng cớ là sang thời Minh Mạng (từ năm 1820), Thiệu Trị, các vị vua con, vua cháu này chẳng những không hợp tác với Tây mà còn thực hiện chính sách giết đạo tàn khốc (chứng tỏ không thân Pháp) để giải quyết cái di sản trớ trêu của lịch sử, và cũng chỉ trong khoảng thời gian đó các nhà vua mới có thể dám làm như vậy (dù không phải là việc làm đúng, tốt), do mối ân tình giữa vua cha (Nguyễn Ánh) với Bá Đa Lộc cùng một số tướng tá người Pháp coi như đã “sạch nợ giang hồ” (x. Gs Trần Văn Chánh, Tản mạn về quan điểm, phương pháp và thái độ nghiên cứu sử học, Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển 2011).

Cũng chẳng cần nghiên cứu sâu xa như các nhà sử học, chỉ cần phán đoán theo lương tri thông thường, cha Do đã sống giữa trung tâm Kon Tum suốt 24 năm, ai ai cũng biết ngài, di sản tinh thần và vật chất ngài để lại cho đồng bào Kinh-Thượng, đến ngày nay vẫn còn cảm nhận rất rõ.  Thật mâu thuẫn khi người ta ca ngợi các công trình tôn giáo đặc sắc hàng trăm năm tuổi như Nhà thờ Gỗ, Chủng viện Kon Tum, Nhà thờ Tân Hương.v.v.nhưng lại chưa kính trọng đủ con người đã đặt nền móng đầu tiên và vững chắc để những công trình ấy ra đời và tồn tại qua thời gian.

Thật ra, trước 1975, ở Kon Tum đã từng có một con đường được đặt tên “Bok Do”, nhưng từ sau Ngày Giải Phóng, con đường Bok Do không hiểu vì sao đã được đổi thành một tên khác (5). Chúng ta đã từng nghe nhiều nhà sử học, và những người dân yêu mến Kon Tum đau xót lên tiếng về việc tên của những địa danh, làng mạc, đường phố tại Kon Tum từ sau Giải phóng đến nay đã bị làm cho “tan nát”. Những tên làng xưa hàng trăm năm như Tân Hương, Phương Nghĩa, Phương Quý, Phương Hòa.v.v. gắn với những làng quê yên bình từ bao đời, gởi gắm ước vọng thương yêu, no ấm, hạnh phúc ; hay những đường phố như Bok Do, Bok Kiểm (tức Bok Kiơm), Câu Tài.v.v. gợi nhắc các bậc tiền hiền thuở lập làng, dựng phố ; hay tên gọi các làng của người dân tộc… đã bị xóa bỏ một cách vô tội vạ, mặc dầu những tên gọi hay nhân vật lịch sử ấy chẳng có gì làm phương hại đến “chính nghĩa cách mạng”(6). Thật là bất công và không trung thực với lịch sử, nếu chỉ vì những sự kiện ấy có liên quan đến đạo Công giáo!

Trên thực tế, nhiều nhân vật lịch sử Công giáo khác đã được đặt tên đường tại nhiều tỉnh thành trong nước Việt Nam. Chỉ riêng tại TP.HCM chẳng hạn, ngoài vị thừa sai nước ngoài A. de Rhodes (quận 1, Thủ Đức), còn có đường (Đức Hồng Y) Trịnh Như Khuê (Bình Chánh), các đường (Đức Giám Mục) Nguyễn Bá Tòng (Tân Bình), Hồ Ngọc Cẩn (Tân Bình), Nguyễn Văn Bình (quận 1), các danh nhân công giáo Nguyễn Trường Tộ (quận 4, 9, Phú Nhuận, Tân Bình, Thủ Đức), Trương Vĩnh Ký (Tân Bình), Mai Lão Bạng (Tân Bình), Hàn Mặc Tử (Tân Bình).v.v. Hay gần đây (năm 2011), linh mục Đặng Đức Tuấn (quê quán huyện Bồng Sơn, tỉnh Bình Định, mất 1874), người đồng hương cùng thời với Cha Do (mất 1872) và có mối quan hệ thân tình với cha Do, đã được đặt tên cho một con đường tại Huế, cùng một lượt với các tên tuổi khác như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, hoà thượng Thích Tịnh Khiết, sư bà Tôn Nữ Diệu Không…(x. Báo Tuổi Trẻ 18.3.2011, tr.13). Tất cả họ, không phân biệt sắc tộc, tôn giáo, khi có những đóng góp nhất định đều được xã hội công nhận.
           
100 năm thành lập tỉnh (1913-2013), cũng vừa tròn 165 năm Nguyễn Do đặt chân lên Kon Tum (1848) lập nên làng Rơhai (Kinh+Dân tộc) - đơn vị hành chính theo chế độ định cư đầu tiên, để sau này cùng với nhiều làng khác được thành lập qua thời gian, Kon Tum tiến dần đến hình thức hành chính cấp tỉnh (9/2/1913) . Kỷ niệm mốc lịch sử này, ước mong các cấp các ngành quan tâm đưa vấn đề lên bàn hội nghị, để Kon Tum sớm có một con đường mang tên Nguyễn Do. Một con đường trong thành phố Kon Tum, dù chỉ nhỏ và ngắn, nhưng khá trang trọng, càng gần dòng sông Đăk Bla càng có ý nghĩa. Bởi lúc sinh thời, bước chân của con người ấy không chỉ rong ruổi trên những nẻo đường trên bộ, mà còn từng chèo sõng ngược xuôi dòng Krong Blah (Đăk Bla) để khám phá ra vùng đồng bằng rộng lớn, đẹp đẽ, nơi đã trở thành thị xã, rồi thành phố trung tâm tỉnh lỵ Kon Tum ngày nay (7).

Một điều nữa được sử sách ghi lại, mà khi nghĩ đến không khỏi chạnh lòng, đó là “Cha Do đã làm một con đường rất đẹp nối liền hai làng Rơ Hai và Đak Kấm” (x. P. Dourisboure, Dân Làng Hồ, NXB Đà Nẵng 2008, trang 141). Cứ xét theo vị trí địa lý và bối cảnh lịch sử qua dòng thời gian, thì có lẽ không con đường nào khác hơn chính là con đường Trần Phú trung tâm thành phố Kon Tum ngày nay. Con đường Trần Phú ngày nay vẫn giữ nguyên vị trí là một trong những con đường đẹp và tiện lợi nhất, không chỉ nối liền trung tâm thành phố (làng Rơ Hai xưa - nhà thờ Tân Hương nay) với xã Đăk Kấm ở hướng Bắc, mà còn mở ra các hướng Đông - Tây. Và trong tương lai, nếu dự án mở rộng khu vực phía Nam đường Nguyễn Huệ được triển khai, con đường Trần Phú nối dài chạy dọc theo bờ sông Đăk Bla, cho đến tận cầu treo Kon Klor, sẽ làm cho diện mạo thành phố Kon Tum thay đổi đáng kể, rộng lớn hơn, đẹp đẽ hơn …Con người ấy đã có công khai mở những con đường “rất đẹp” cho Kon Tum, chẳng lẽ lại không xứng đáng được đặt tên cho một con đường nào đó để mà kỷ niệm, để mà tưởng nhớ ??!

Con đường Trần Phú chụp năm 1966/1967
Ảnh: Will Miller (internet)

Xét cho cùng, nghĩa cử này nếu trở thành hiện thực thì cũng chẳng có ý nghĩa gì đối với người đã khuất, nhưng lại thật có ý nghĩa đối với người sống. Chúng ta và thế hệ tương lai con cháu chúng ta cần phải biết ơn tiền nhân đã từng chịu bao nhiêu hy sinh gian khổ, lập làng dựng phố, để hôm nay ta có phố nhỏ Kon Tum, và có tỉnh Kon Tum biết bao yêu quý tự hào! Biết ơn và kính trọng tổ tiên ông bà cha mẹ, biết trân quý, gìn giữ phát huy những thành quả tinh thần và vật chất mà cha ông truyền lại, đó là bài học đạo lý đầu tiên và căn bản nhất của mọi cá nhân, mọi gia đình, mọi thiết chế xã hội.

Cho tới chừng nào thành phố Kon Tum chưa có con đường mang tên “Nguyễn Do”, thì dù có kỷ niệm 100 năm hay hơn nữa, lịch sử phát triển của Kon Tum vẫn sẽ còn nhắc nhớ mãi, và chúng ta là kẻ hậu sinh vẫn sẽ còn “mắc nợ” - món nợ “ân tình” đối với người đã khó nhọc góp công vào buổi đầu cho sự phát triển của dòng lịch sử ấy.

Chính vì vậy, thành phố Kon Tum cần, và rất cần có một con đường mang tên “Nguyễn Do”.

           
                                                                               Minh Sơn
                                                                              15.11.2012                                                                                                                              
                            Còn 86 ngày nữa đến ngày kỷ niệm 100 năm
                                             thành lập tỉnh Kon Tum                                                                                                                 


___________________________________________ 

CHÚ THÍCH :
1. “…sous le nom de province moï de Kontum”, x. Nguyệt San “Thuộc Địa”, Paris 1913, trang 293.
2. x. P. Ban và S. Thiệt, “Mở đạo Kon Tum”, tr. 91-92; và 233.
Tên gọi làng “Tân Hương” là tên gọi về sau. Vào năm 1874 khi mới thành lập, làng Tân Hương được gọi là Trại Lý, sau là Gò Mít. 
3. Trạm Gò (phía Bắc An Khê).
4. Hiện nay tro cốt của cha Do được đặt trong Nhà Nguyện của Chủng Viện Kon Tum, đường Trần Hưng Đạo, Tp. Kon Tum.
5. Đường Nguyễn Văn Trỗi trước Tòa Giám Mục ngày nay.
6. Xem thêm: Tạ Văn Sỹ, “Ngồi nhớ tên xưa”, Tạp ký Kon Tum, NXB Văn Học 2012, tr. 86).
7. x. Dourisboure, Dân Làng Hồ, NXB Đà Nẵng 2008.

DÂN LÀNG HỒ - Chương VIII & Chương IX: Cha Desgouts và Cha Fontaine thoát chết đuối. Bắt đầu học tiếng Ba-na. Du hành từ Kon Kơxâm đến Kon Kơlang. Dân tộc Rơ -ngao. Những điểm đến khác của các nhà thừa sai.



DÂN LÀNG HỒ


Nguyên tác ” LES SAUVAGES BAHNARS “
P. Dourisboure
De la Société des Missions – Étrangères
– PARIS 1929 -

Chương VIII:


Cha Desgouts và Cha Fontaine thoát chết đuối. Bắt đầu học tiếng Ba-na.


Du hành từ Kon Kơxâm đến Kon Kơlang.



Vài ngày sau vụ hỏa hoạn nói trên, chúng tôi suýt nữa bị mất đi hai bạn đồng nghiệp là Cha Desgouts và Cha Fontaine. Cha Desgouts mắc phải một chứng bệnh mà ở Châu Âu ít ai dám nói đến, nhưng ở đây là chuyện quá thường. Đó là bệnh ghẻ, phải  gọi đúng tên nó thôi, ghẻ dầm ghẻ dề, lây lan khắp người. Cộng với bệnh sốt rét, chúng không để ngài nghỉ ngơi giây phút nào, cả ngày lẫn đêm. Khi thấy ngứa ngáy quá sức, Cha hiền hậu này cố làm dịu bớt bằng cách đi tắm sông. Cha Fontaine cũng thường nhờ đến nước sông để làm giảm bớt cơn đau nhức chân.
Ngày kia, Cha Fontaine rủ người bạn già cùng đi tắm sông ở phía dưới, cách nhà chúng tôi độ hai mươi bước. Chỗ này nước sâu, nhưng ở giữa sông có một cù lao nhỏ đầy cát, chung quanh nước cạn, chỉ đến thắt lưng. Nên biết cả hai đều không biết bơi! Chúng tôi có một chiếc thuyền độc mộc do anh em dân tộc gọt đẽo rất khéo. Cha Fontaine vừa là tay chèo dở, vừa là tay bơi tồi, lại mạo hiểm đến mức liều lĩnh! Họ cùng nhau đến cồn cát và tắm ở đó. Khi tắm xong, Cha Fontaine rất tự hào vì đã chèo được chiếc thuyền từ bờ sông đến cù lao, xa lắm là 5 thước nước, thế mà ngài tưởng mình đã là tổ sư thuỷ đạo, có thể chèo thuyền đi xa mà không gặp nguy hiểm gì! Ngài bèn đề nghị với Cha Desgouts cùng thực hiện một cuộc du ngoạn bằng thuyền, mà Cha Desgouts lại là kẻ vốn tin ở người hơn là ở mình, nên tưởng rằng bạn mình cũng rành chèo chống. Gần cù lao, nước sông Dak Bla chảy êm đềm, nhưng phía dưới một chút, dòng nước cuồn cuộn mỗi lúc một nhanh hơn, và cuối cùng chảy như thác trên các tảng đá. Khi trôi trên mặt nước phẳng lặng, tay chèo bất đắc dĩ của chúng ta lái thuyền cũng tạm được, nhưng khi đi xa hơn một chút thì lạc tay lái, thuyền và người bị nước cuốn trôi mỗi thứ mỗi nơi. Hai phút sau, chiếc thuyền không người trôi dạt một mình phía dưới thác. Nơi khúc sông nguy hiểm như thế, ngay cả đối với một tay bơi đầy kinh nghiệm cũng khó bề né thoát, huống chi mấy Ông Cố nhà mình, bình thường là chắc chắn bể đầu, nát thân; nhưng Chúa Quan Phòng đã chăm sóc họ.
Họ đã leo lên được bờ, với cái giá phải trả là mình mẩy bầm tím. Cha Desgouts lên bờ bên trái, còn Cha Fontaine sang bờ bên phải. Nhưng vì cả hai bên bờ sông cỏ cây dày đặc, hơn nữa, một người lên bờ phía trên, một người phía dưới nên ai nấy đều tưởng bạn mình đã thiệt mạng. Cha Desgouts về đến nhà trước, ướt mèm và lấm bùn, mình đầy thương tích và đau buồn vì tưởng rằng Cha Fontaine đã chết. Đang khi ngài thuật lại cho chúng tôi nghe cuộc mạo hiểm vừa qua, và cùng chúng tôi thương khóc cho kết cục buồn thảm của người bạn chí thiết thì chợt nghe tiếng réo bên kia sông: “Hãy đem cho tôi chiếc thuyền!” Nỗi đau nhanh chóng tan biến nhường chỗ cho niềm hân hoan vui sướng. Chúng tôi tếu táo rất lâu về câu chuyện này. Tôi thuật lại cốt để cho bạn đọc có dịp cùng chúng tôi, một lần nữa, cảm tạ Chúa nhân lành như một người Cha đã ân cần chăm sóc các thừa sai của Người.
Trong khi đó, dân làng Kon Kơ Xâm dần dần quen với sự hiện hiện của chúng tôi. Họ ít sợ hơn, không còn mấy ai tin vào những lời vu khống nhắm đến chúng tôi. Thậm chí, nhiều người còn đến nhà chúng tôi chơi nữa khi họ có thứ gì đó muốn bán. Chúng tôi nghĩ đã đến lúc phải tiếp cận họ. Nhưng “dục tốc bất đạt”, thay vì cùng vào làng một lượt với nhau, chúng tôi chỉ xin ông Hmur nhận ba người vào ở nhà ông để học tiếng Ba Na. Ông đã vui vẻ nhận lời. Từ khi chúng tôi đến miền dân tộc cho tới lúc bấy giờ, chúng tôi buộc phải sống xa họ, sống trong rừng. Vậy làm sao mà học được tiếng khi không có phương tiện nào để học? Khi không giao tiếp với ai? Cũng chính vì vậy, sau nhiều tháng ở đây, chúng tôi chỉ biết lỏm bỏm một vài từ Ba Na thôi.
Trên đời này, ít có điều gì khó hơn là học một ngôn ngữ mà không có sách vở, không có từ điển, không có sách ngữ pháp, không có người thông dịch; và nhất là những người nói ngôn ngữ đó lại là những người dân khốn khổ, hiểu biết hạn chế, trí khôn chậm phát triển. Người dân tộc sẽ dễ dàng nói cho bạn biết một vật mà bạn thấy, bạn chỉ tay vào vật đó mà hỏi tiếng dân tộc gọi là gì. Nhưng nếu là những gì trừu tượng thuộc lĩnh vực trí tuệ hay luân lý, tất cả những gì mà giác quan không thể tiếp xúc được thì bạn phải tự mình đoán lấy. Nếu tình cờ bạn nghe được một từ thuộc loại này, rồi đem so sánh với nhiều hoàn cảnh khác nhau mà bạn nghe áp dụng, bạn tưởng mình đã tạm nắm được nghĩa của từ đó. Thế nhưng, vài ngày sau, bạn lại thấy nghĩa đó là sai hoặc chưa đúng lắm! Nhưng chớ có nhờ người dân tộc giải thích! Để giải thích một từ nào đó, họ chỉ biết lặp lại từ đó mà thôi. Ví dụ bạn hỏi: ‘Tin’ là gì? Họ sẽ trả lời: ‘Tin’ nghĩa là tin. Tốt lắm! Nhưng hãy giải thích một cách khác đi, ‘Tin’ có nghĩa như thế nào? Kìa, tôi quả quyết với bạn ‘Tin’ có nghĩa là tin mà! Có nói thêm nữa cũng vô ích, vì họ sẽ rất ngạc nhiên thấy bạn không thể hiểu nổi ‘Tin’ có nghĩa là tin. Đơn giản thế thôi mà!
Vậy mà để giảng Đạo, để giải thích tín lý cao siêu bằng một thổ ngữ rất nghèo từ ngữ trí thức, thế thì cần phải nắm vững và biết tường tận thổ ngữ đó. Cho nên, một trong những phận sự thiết yếu của người thừa sai là cố học cho rành ngôn ngữ mà vị này phải dùng để giảng dạy, để ban phép giải tội, để thi hành thừa tác vụ của mình. Dĩ nhiên, Đức tin là một hồng ân của Thiên Chúa, và chỉ một mình Người, qua ân sủng mới có thể chạm đến và chinh phục tâm hồn con người. Nhưng cách thức thông thường, Chúa Quan Phòng hay sử dụng là luôn để cho các tông đồ của Người lấy sự nhiệt tình hăng hái và kiên trì mà ân cần sử dụng các phương tiện thích hợp để trợ giúp cho ân sủng tác động. Một trong những phương tiện đầu tiên là phải nói thông thạo ngôn ngữ của những người mà mình muốn rao giảng Tin Mừng. Thỉnh thoảng, khi một vị thừa sai đã bắt đầu có thể làm cho người dự tòng hiểu mình thì vị thừa sai ấy bị cám dỗ ngừng lại, muốn bỏ ngang việc học ngôn ngữ, vốn khổ nhọc và khô khan này. Tôi xin phép nói ngay rằng đó là một sai lầm nghiêm trọng, rất thiệt thòi cho phần rỗi các linh hồn.
Tôi xin trở lại câu chuyện. Cha Combes, Cha Fontaine và tôi, chúng tôi dọn đến ở nhà ông Hmur. Sáng sớm và chiều tối là thời gian duy nhất trong ngày mà anh em dân tộc ở nhà. Chúng tôi lên nhà rông để học vài ba từ Ba Na. Mỗi người cầm bút chì và một mảnh giấy, ngay khi tưởng là đã nắm được nghĩa của một từ thì vội ghi lại. Đến lúc anh em dân tộc đã đi rẫy hoặc đi ngủ, thì ba anh em chúng tôi họp lại để so sánh những điều đã ghi lại, và thống nhất những điều mà chúng tôi đã học được, hoặc tưởng là đã hiểu được. Đặc biệt chúng tôi hỏi ông Hmur tốt lành, người thường xuyên thức khuya với chúng tôi. Ban ngày, chúng tôi cố gắng khắc ghi những điều đã hiểu được hôm trước, và ngày nào cũng như thế. Sau một tháng rưỡi ở nhà ông Hmur, chúng tôi có được một quyển sổ lớn ghi các từ, nhưng phần nhiều là những từ ít giá trị.
Khi rời Kơ Lang, chúng tôi đã để lại vài người để trông nhà. Căn nhà này được dùng để làm trạm dừng chân cho các liên lạc viên của chúng tôi khi họ về gặp Đức Cha Cuénot, hoặc từ đó trở lại đây; đôi khi chúng tôi cũng ghé qua đó. Một biến cố nhỏ đã xảy ra trong chuyến đi của Cha Combes và tôi mà tôi hằng ghi nhớ để tri ân Đức Trinh Nữ Maria. Chúng tôi chỉ có hai người, hành trang không có gì ngoài sách kinh nhật tụng và cơm tối bỏ trong gùi sau lưng.
Nơi miền sơn cước này vốn không có quán trọ, nếu du khách muốn ăn cơm thì không bao giờ vào làng, trừ trường hợp có công việc; thường thì họ ăn bên bờ suối. Tại xứ này, hiếm khi đi thật lâu mà không gặp con suối nào, bình thường nước suối mát và trong. Tới giờ ăn, ta dừng lại bên bờ suối, hái vài lá to làm đĩa, dùng muỗng đã có từ thời nguyên thuỷ là…năm ngón tay! Khi khát thì bụm tay lại và tha hồ múc nước nơi suối. Ở Pháp, bờ suối khiến ta liên tưởng tới thảm cỏ xanh rì, nhưng ở đây không hề có cỏ ngắn và dày, chỉ toàn một mớ bụi cây cằn cỗi. Do vậy, người ta ngồi trên mặt đất trơn tru. Đối với anh em dân tộc, hút thuốc là phần không thể thiếu sau mỗi bữa ăn, và ống điếu là vật bất ly thân, mọi nơi mọi lúc. Mỗi lần dừng chân ở bất cứ nơi đâu để ăn cơm, thì việc đầu tiên họ làm là đánh lửa, bằng đá lửa và ít bùi nhùi, những thứ luôn mang theo mình. Đôi khi lửa để nướng thịt rừng săn được, bởi vì khi ở nhà hay ở rẫy người dân tộc ăn cơm không, nhưng họ lại dành chút ít thịt săn được để ăn khi đi đường. Khi đi, trong gùi thường có một lát thịt hun khói hoặc vài con cá khô. Trong trường hợp này, họ dùng dao thường đeo ở thắt lưng, chặt một ống tre và nhét miếng ngon vào đó. Cái nồi tự chế này, khi đốt cháy thành than sẽ làm món ăn chín tới. Và người ta gọi ăn kiểu đó là ăn thịnh soạn đấy!
Hôm đó, Cha Combes và tôi đã không đi con đường quen thuộc từ Kon Kơ Xâm đến Kơ Lang. Chúng tôi muốn đi đến làng Mơ Tông vì có việc gì đó tôi không nhớ nữa. Đến khoảng trưa, chúng tôi ăn cơm và thay vì nghỉ trưa, chúng tôi đọc kinh nhật tụng rồi lại lên đường. Con đường mòn chúng tôi đang đi dẫn chúng tôi vào một rẫy bắp. Ở giữa rẫy có hai thiếu nữ dân tộc đang làm việc. Chúng tôi nghĩ rằng chắc các cô biết đường và chúng tôi tiến đến chỗ họ. Lập tức, hai cô rú lên một tiếng kinh hãi, rồi ôm chầm lấy nhau. Họ tưởng chúng tôi đến định bắt cóc họ! Làm sao cho họ an tâm? Chúng tôi thì chưa biết đủ tiếng Ba Na để nói chuyện với họ. Chúng tôi vội vàng rời xa họ và đi về phía ngược chiều có nguy cơ lạc đường.
Chẳng bao lâu sau đó, tôi cảm thấy những triệu chứng ớn lạnh đầu tiên của cơn sốt. Đường đi còn xa, vì thế tôi cố gắng giữ bình tĩnh và bước đi thật nhanh. Nhưng cơn sốt lên cao, hai đầu gối tôi bắt đầu run lẩy bẩy. Tôi nói với Cha Combes: “Tôi nghĩ tôi phải dừng lại đây thôi vì toàn thân đã lạnh run”. Ngài trả lời: “Nhưng tìm đâu ra trong rừng một nơi trú ẩn để tránh cơn giông?” Mải lo cho cơn sốt, tôi đã không thấy những đám mây to đen kịt đang từ phương Bắc kéo đến phía chúng tôi. Phút chốc sấm nổ vang trời. Thế nhưng, đôi chân tôi không đứng vững được nữa. Tôi ngã nhào bên vệ đường. Người bạn đồng hành của tôi nhìn thấy gần đó có cái chòi tranh bỏ hoang trong rẫy, liền nói với tôi: “Hãy cố lê bước đến cái chòi kia; có lẽ ở đó có chỗ trú mưa. Bộ Cha không thấy nằm trên đất, dưới cơn mưa trong lúc sốt nặng như thế này thì chắc chắn là chết hay sao?” Tôi gắng sức đứng lên, và nhờ ngài dìu, tôi đi thêm được vài bước. Nhưng đó là những cố gắng cuối cùng và tôi lại ngã quỵ xuống đất. Tôi nói với ngài: “Cha thân mến, tôi không thể nào bước nổi nữa rồi. Có làm sao thì xin tùy ý Chúa. Chính vì Người, vì lòng yêu mến Người mà chúng ta thực hiện cuộc hành trình này.” Trong lúc đó, cơn giông đã đến và mưa xối xả trên đầu chúng tôi.
Tôi nhớ trong hoàn cảnh bi đát đó, tôi đã quên cầu khẩn Đức Mẹ: “Tôi thật khốn nạn và vô ơn! Nếu tôi nhớ đến Mẹ Maria thì chắc Người đã cứu giúp tôi. Con xin lỗi, lạy Mẹ, con xin lỗi, sự bội bạc của con không thắng được lòng từ ái của Mẹ. Sớm muộn gì Mẹ cũng an ủi những kẻ đau khổ. Đây là lúc Mẹ tỏ lòng từ bi của Mẹ. Xin Mẹ làm dịu cơn sốt của con hoặc làm cho đôi chân run rẩy của con vững chắc.” Thầm thì những lời ấy xong, tôi thử bước đi và bỗng nhiên tôi cảm thấy sức khỏe hồi phục. Tôi vui sướng thốt lên: “Ôi lạy Mẹ! Ôi Mẹ của con! Con là đứa con khốn nạn, vô ơn. Phải chi con kêu lên Mẹ sớm hơn, thì hẳn Mẹ đã đến giúp con rồi. Vinh danh Mẹ!” Và tôi đã bước đi thật mau, bỏ Cha Combes phía sau đến hai mươi bước làm ngài vô cùng ngạc nhiên. Tôi không dám khẳng định đó là một phép lạ. Nhưng dù có sợ làm bạn đọc cười chê, thì tôi cũng không thể không bày tỏ lòng biết ơn, và hiện giờ tôi vẫn nói như đã từng nói: “Vinh danh Mẹ! Vinh danh Mẹ! Ôi Mẹ Maria!” Cơn giông rất lớn, nhưng chỉ trong chốc lát đột ngột chấm dứt, nhường chỗ cho bầu trời quang đãng. Tuy nhiên, chúng tôi “ướt như chuột lột”. Dù biết rằng không có gì nguy hiểm cho bằng đang cơn sốt mà áo quần ướt đẫm, nhưng vì không ai mang theo quần áo để thay, nên chúng tôi đành vắt khô và tiếp tục cuộc hành trình. Không biết vì cơn nóng sốt hay vì phấn khởi đã nhận ơn lạ quá bất ngờ của người Mẹ tốt lành trên hết mọi người mẹ, mà suốt quãng đường còn lại, tôi không ngừng lớn tiếng chúc tụng Mẹ Maria. Tôi đã khóc vì biết ơn Mẹ. Tôi đã khóc vì hổ thẹn thấy mình quá khốn khổ. Cuối cùng, tôi thấy cần nói thêm tôi đã đi hết quãng đường còn lại mà không thấy mệt chút nào.
Đến chiều, chúng tôi tới làng Mô Tông. Ở đó, chúng tôi lại gặp một nguy hiểm nghiêm trọng khác. Ngày hôm trước, dân làng đã đi giao chiến với một làng khác và họ đã giết được một kẻ thù, việc hiếm thấy trong các trận chiến vô nghĩa của người Ba Na. Các chiến binh vừa trở về làng sau cuộc chiến. Nhưng thông thường làng bị tấn công trước hiếm khi từ bỏ việc đuổi theo quân địch khi địch rút lui. Vì vậy, dân làng Mơ Tông e ngại một cuộc công kích vào chính ngày hôm đó. Vì sợ hãi, nên họ đã cắm đầy chông xung quanh làng. Khi đến cách chiến luỹ độ trăm bước, thấy thế, Cha Combes và tôi không dám mạo hiểm băng qua, bèn lên tiếng gọi dân làng ra mở lối cho chúng tôi. Nhưng lúc đó tất cả dân làng đang tụ tập ở nhà rông cúng thần chiến tranh và họ cũng đã ngà ngà say. Nghe tiếng chúng tôi gọi, họ tưởng chúng tôi là kẻ thù đang được mong đợi, thế là họ vội chụp lấy khí giới, kẻ cầm cung, người mang dao, người cầm giáo. Khốn nỗi, tuy chúng tôi đứng xa tầm bắn của họ, nhưng vì cỏ cao, màn đêm vừa buông xuống, nên chúng tôi không nhìn thấy họ mà họ cũng chẳng thấy chúng tôi. Làm sao đây? Chạy trốn chăng? Nhưng làm như thế thì càng chứng tỏ điều họ nghi chúng tôi là kẻ thù là đúng. Chúng tôi bèn gào thật to, nói tên mình ra vì trong vùng ai cũng biết. Cuối cùng, một người ít say hơn những người khác đã nghe rõ tên chúng tôi và la lên: “Ngừng lại, ngừng lại, đó là mấy người Kinh. – Các ông là ai? – Chúng tôi là Bok Bê và Bok Ân, anh em hãy mở lối cho chúng tôi vào với.”
Sự nguy hiểm mà chúng tôi vừa trải qua do sự bất cẩn của dân làng, đã khiến họ đối xử rất tử tế với chúng tôi. Ngày hôm sau, Cha Combes một thân một mình đi Kơ Lang. Còn tôi buộc lòng phải nằm lại Mơ Tông đúng một tuần lễ chờ qua cơn sốt. Đó là cơn sốt mạnh nhất trong vòng mười lăm năm nay, đến độ làm rung rinh căn nhà của anh em dân tộc cho tôi trú nhờ và cơn mê sảng kéo dài rất lâu. Khi anh em trong đoàn đã bắt đầu lo lắng, thì họ thấy tôi về đến Kon Kơ Xâm trong bộ dạng xanh xao, ốm yếu. Cha Combes cười và nói với tôi: “Cha còn nhớ con suối ở Kơ Lang mà Cha đã nhảy qua trước kia không? – Nhớ chứ, tôi nhớ con suối đó và cả dãy Pyrénées của tôi nữa. Căn bệnh sốt rét kinh tởm này đến cả súc vật cũng mệt với nó!” Ngài nói tiếp: “Nào, dù vậy, vẫn cứ vui, hoan hô! Ta cứ sống cho đến lúc chết, và bấy giờ, bệnh sốt rét hay bệnh gì đi nữa cũng sẽ dứt khoát được chữa lành. Amen.”

Chương IX: 


Dân tộc Rơ -ngao.


Những điểm đến khác của các nhà thừa sai.


Chúng tôi đã định cư ở Kon Kơ Xâm được nhiều tháng rồi, thế mà vẫn không hay biết, ở gần chúng tôi, có hay không một vùng đồng bằng mà Đức Cha Cuénot đã nghe nói đến và chỉ thị cho chúng tôi phải tìm kiếm cho bằng được. Như đã nói, ông Hmur lo đi mua gạo khắp các làng dân tộc trong vùng giúp chúng tôi. Thế là, với mục đích đó, sau chuyến đi đến làng Kon Rơ Bang, một vài người dân làng này vì tò mò và vì hám lợi đã táo bạo đến tận nhà chúng tôi để đích thân bán gạo. Họ nói với chúng tôi rằng ngay phía bên kia dãy núi Kon Kơ Xâm có một đồng bằng lớn trải dài hai bên bờ sông Dak Bla, cách chừng hơn một ngày đường về phía Tây. Người ta cấm ông Hmur không bao giờ được dẫn chúng tôi đến đó và đe dọa ông khủng khiếp đến nỗi ngay cả việc nói cho chúng tôi biết có một đồng bằng như thế, ông cũng không dám. Chúng tôi hết sức vui mừng với khám phá này mặc dầu chúng tôi chưa thấy phương thức nào để thi hành chỉ thị của Đức Giám Mục. Từ ngày đó, chúng tôi không ngừng thúc đốc dân làng Kon Kơ Xâm đưa chúng tôi đến xứ sở người Rơ Ngao.
Cuối cùng, do bị hối thúc quá, một người anh em trong dân làng hứa sẽ làm chúng tôi thỏa mãn và hẹn ngày dẫn chúng tôi đi. Nhưng bị dân làng khiển trách nặng nề và vì sợ mất danh dự không thể trở về với gia đình, nên anh ta mới bày ra một kế hoãn binh. Như đã nói, con sông Dak Bla chảy từ Bắc xuống Nam để rồi khi đến Kon Kơ Xâm đột ngột chuyển hướng chảy về phía Tây. Do đó, tại đây mỏm đất bị nước chảy xiết tạo nên một bán đảo. Đến ngày hẹn, anh chàng dẫn đường cùng chúng tôi vượt sông Dak Bla ngay trước nhà. Chúng tôi ngạc nhiên biết bao, bởi sau khi đã đi được hơn nửa tiếng đồng hồ rồi mà vẫn thấy còn lòng vòng trên sông Dak Bla! Nơi đây không có làng, cũng chẳng có thuyền mà nước lại quá sâu không thể lội qua được. Anh chàng dẫn đường ngỏ lời muốn đi tìm một chiếc thuyền; rồi anh bơi qua sông, mất hút vào bờ bên kia. Chúng tôi chờ anh suốt cả ngày hôm đó, bụng rỗng tuếch. Khi đêm đến, chúng tôi buộc phải quay về bước đi buồn tênh! Chàng trai đáng thương này đã phải trả giá khá đắt vì tội lừa dối: suốt gần hai năm sau anh không dám xuất hiện trước chúng tôi và nếu tình cờ gặp thì anh cũng bỏ chạy mất tăm. Sau này chúng tôi mới biết người ta đe dọa anh khủng khiếp đến nỗi anh phải cố ý đánh lừa chúng tôi vì quá sợ hãi.
Trong lúc đợi ở bờ sông, chúng tôi đã tắm và tôi đã bỏ quên trên bãi cát tượng cây Thánh giá mà tôi thường đeo trên cổ. Dân làng Kon Kơ Xâm đi qua đó và đã nhặt được. Họ bàn với nhau xem sờ vào vật này có bị nguy hiểm gì không. Và lòng tham đã thắng mê tín. Họ đã lấy tượng Thánh giá đem về. Tôi nói tham lam là không có ý ám chỉ họ muốn chiếm đoạt tượng Thánh giá. Việc trộm cắp là việc không hề có hay hiếm khi xảy ra nơi dân tộc Ba Na. Nhưng họ lại có thói quen bắt người đánh rơi đồ vật phải chuộc. Và họ hy vọng tôi sẽ chuộc vật bị rơi với giá cao. Khi về đến gần làng, thì sự mê tín lại thắng thế. Vật kỳ lạ này chắc phải có uy lực gì siêu phàm lắm đây? Hình tượng này phải chăng là một vị thần, sao lại dám đem vào làng? Làm sao đây? Sau khi suy tính kỹ càng, họ đem treo tượng Thánh giá trên một cây ngoài làng và đến hỏi chúng tôi có muốn chuộc lại hay không. Vì họ đòi giá chuộc quá cao, Cha Combes nói với họ đó là vật linh thiêng, không thể bán, cũng chẳng thể chuộc lại được. Vậy là những người đáng thương này phát sợ, họ xin chúng tôi đích thân đến gỡ xuống, nhất là đừng để xảy ra tai ương gì cho họ vì đã dám chạm đến vật đó.
Ít ngày sau, anh em dân tộc làng Kon Rơ Bang nhận thấy rằng đến tận nơi bán gạo cho chúng tôi có lợi nhiều hơn, nên đã trở lại một lần nữa và đồng ý đưa chúng tôi đến làng họ. Cuộc hành trình đi bằng thuyền trên sông Dak Bla, chỉ có Cha Combes và Thầy Sáu Do tháp tùng. Trở về, hai người đã thuật lại cho chúng tôi nghe biết bao điều kỳ thú về xứ Rơ Ngao: “Cuối cùng, chúng ta cũng đạt được mục đích của cuộc thám hiểm. Xứ Rơ Ngao thật đúng là miền đất đáp ứng được nguyện vọng của Đức Cha.” Giống như rèn sắt khi còn nóng, chúng tôi liên tiếp tổ chức nhiều chuyến du khảo. Kết quả là mua được một căn nhà ở làng Rơ Hai cạnh Kon Rơ Bang, với giá năm quan tiền không hơn không kém. Người chủ bán nhà và ra đi xây nhà khác. Lập tức chúng tôi cho Thầy Sáu và vài người Kinh trong đoàn nữa đến ở trước, chúng tôi thong thả đến sau.
Đến Rơ Hai được vài ngày trong căn nhà mới, Cha Combes, Thầy Sáu Do, và tôi, chúng tôi lại theo dòng Dak Bla mở cuộc thị sát mới. Chúng tôi tự nhủ: “Sông nước là của chung mọi người. Nếu các làng ở hai bên sông không đồng ý mở cửa cho chúng ta vào, thì chúng ta chèo thuyền đi tiếp, có sao đâu!” Chúng tôi mang theo gạo đủ dùng, rồi “đến đâu hay đến đó!” Đi được khoảng hai tiếng, chúng tôi gặp một người đàn ông tự xưng là chủ làng và mời chúng tôi đến nhà ông. Ông ta ở làng Tơ Bâu, đi bộ chừng mười lăm phút trong đất liền. Chúng tôi để thuyền trên bờ và đi theo ông ta. Năm phút sau chúng tôi phải dừng chân lại, vì có cuộc gặp gỡ khác không dễ chịu lắm. Tôi muốn nói đến cuộc gặp gỡ với hai mẹ con nhà cọp, mà cọp con đã lớn bằng một con cừu đực. Hai mẹ con đang men theo một lối mòn khác, cách chúng tôi chừng năm mươi bước. Thấy chúng tôi, chúng không bối rối gì cả. Cọp mẹ dừng lại quan sát chúng tôi vài giây, rồi thản nhiên bước đi. Đó là lần đầu tiên tôi thấy nhãn tiền một con cọp hoang và trong khoảnh khắc, tim tôi đập mạnh khác thường. Cha Combes và tôi thận trọng đến sát hai gốc cây để leo lên trong trường hợp con thú dữ tỏ ra thù nghịch. Nhưng, tạ ơn Chúa, sự đề phòng đó xem ra vô ích.
Hai con cọp vừa khuất vào rừng rậm, thì một vật lạ khác làm chúng tôi phải trố mắt nhìn. Một pho tượng người đàn ông, không biết làm bằng kim loại gì, cao độ 1m, chân tay được đúc rất nghệ thuật. Pho tượng đứng dưới một gốc cây, chung quanh cách mười lăm bước có một cái mương bảo vệ, bên ngoài là một hàng cây lớn bao quanh. Chắc chắn không phải là một người dân tộc nào đó đã đúc pho tượng này. Tượng nằm ngay giữa rừng và một vài vật khác nữa đều được làm bởi những bàn tay khéo léo hơn anh em Ba Na rất nhiều, khiến chúng tôi tin rằng trước kia ở xứ này đã có một giống dân khác từng sinh sống, văn minh hơn người dân tộc hiện thời.
Người đã gặp chúng tôi ở bờ sông và đưa chúng tôi tới làng Tơ Bâu tên là Piunh. Ông đón chúng tôi vào nhà và tiếp đãi khá tử tế. Sáng hôm sau, ông ta tình nguyện chèo thuyền đưa chúng tôi đến Plei Krong, một làng khá lớn nằm ở ngã ba sông Dak Bla và sông Pô Kô. Sông Pô Kô cũng lớn bằng sông Dak Bla, chảy từ Bắc xuống Nam trước khi tháp nhập vào nhau. Cả hai con sông tạo thành một con sông lớn, chảy về hướng Tây Nam, rồi được sông Bơ Nông tăng cường thêm, tất cả đổ vào sông Mê Kông. Plei Krong là địa điểm cuối cùng của đồng bằng Rơ Ngao. Giữa đồng bằng này và những đồng bằng trải dài từ phía Tây cho đến Lào, có một dãy núi chiếm một vùng khá rộng từ Bắc xuống Nam, song song với các dãy núi xứ Ba Na. Trong đêm chúng tôi nghỉ tại làng Tơ Bâu, tôi lên cơn sốt khá nặng. Tôi không thể tháp tùng Cha Combes và Thầy Sáu trong chuyến khảo sát mới này, đành phải nằm lại nhà anh Piai, em ông Piunh.
Tôi muốn thuật lại một câu chuyện nhỏ đã xảy đến cho tôi trong đêm tạm trú tại làng Tơ Bâu. Chúa đã cho phép xảy ra để tôi đừng quên người thừa sai phải luôn tin cậy vào sự quan phòng của Chúa, Đấng biết rõ từng sợi tóc trên đầu chúng ta và không để sợi nào rơi xuống đất ngoài ý Người. Thế là, sau một ngày mệt mỏi và chán ngán vì sốt rét, tôi nằm nghỉ trên chiếc chiếu cạnh bếp lửa. Gần bên tôi là chiếc gùi tôi thường mang sau lưng trong các chuyến đi mà lần này vỏn vẹn chỉ có một bộ quần áo, vài dây chuỗi hạt thuỷ tinh và ít miếng thiếc. Hai đồ vật sau dùng làm tiền để đổi gạo ăn hằng ngày. Lúc ấy, vài thanh niên và một người lớn tuổi ngồi xổm bên bếp hút thuốc và nói chuyện rì rầm. Tôi nhắm mắt để dỗ giấc ngủ nhưng không ngủ được. Bọn họ tưởng tôi đã ngủ say, bèn trao đổi với nhau: “Có thứ gì trong gùi nhỉ? Nếu có vật gì quý giá thì chúng ta sẽ khử trừ người lạ này. Nó ngủ, nó không thấy chúng ta đâu. Thử xem nào!” Thế rồi, một thanh niên lén đến gần, lấy chiếc gùi đổ ra trước mặt cả bọn. Chúng không hài lòng lắm khi thấy đồ đạc quá “bèo” của tôi, nên người đàn ông lớn tuổi nhất trong bọn nói: “Bỏ lại tất cả vào gùi. Không có gì đáng để làm hại một mạng người. Vả lại, ai biết được người lạ này thế nào và có uy lực ra sao?” Thế là họ tuyên bố tha bổng cho tôi! Và phút hồi hộp nghẹt thở đã qua đi. Sáng ngày, nhớ lại những gì đã xảy ra đêm trước, tôi không muốn ở lại làng này lâu hơn nữa. Mặc dầu các bạn tôi đi khảo sát chưa về, tôi cũng một mình rời khỏi làng để trở lại Rơ Hai, chẳng ngại mẹ con nhà cọp đón đường và cũng không chắc có tìm được thuyền mà về nhà không. Chúa nhân lành lo liệu hết mọi sự và tôi đã về đến nhà bình an.
Sau đó chúng tôi biết rằng làng Tơ Bâu là một làng cá biệt. Dân làng toàn là quân hung ác, không giống như anh em dân tộc các làng khác. Na ná như thị tộc của Romulus xưa kia, tập hợp những người trốn nợ hoặc quân du thủ du thực tứ xứ. Thế nhưng Chúa nhân lành chỉ để kẻ dữ sống nhằm sinh ích cho người lành, nên làng này đã giúp chúng tôi nhiều việc quan trọng khác, lòng quảng đại của chúng tôi dành cho dân làng được đáp trả bằng sự tận tâm của họ, trong thời buổi mà các làng dân tộc khác ít dám giao thương với chúng tôi. Thầy Sáu kết nghĩa anh em với ông Piunh theo nghi thức quen thuộc. Tình bạn này chúng tôi vốn đã hổ thẹn và không muốn kết giao, bởi các hành vi tham lam của ông ta và của bạn bè ông, nhưng sau này việc kết thân lại giúp ích cho chúng tôi rất nhiều. Sự kiện này cũng như nhiều việc khác nữa, tôi đã hoặc sẽ thuật lại, chứng tỏ Chúa Quan phòng luôn phù giúp chúng tôi khi cần, nhiều khi rất bất ngờ và ngoài ý muốn của chúng tôi.
Cha Combes trở về Rơ Hai sau tôi một ngày. Chuyến đi đã đem lại nhiều khám phá mới. Sau đó không lâu, chúng tôi lại lên đường và nhờ một vài lần đi dọc theo sông Dak Bla, qua cả xứ Rơ Ngao, chúng tôi biết được nhiều bộ tộc khác nhau chiếm cứ các phần đất phía Bắc và phía Nam.
Mặc dù được biết với một tên gọi chung là Ba Na, nhưng mỗi bộ tộc đều có tên riêng của mình. Phía Bắc là bộ tộc Xê Đăng. Người Xê Đăng nói chung to cao hơn, thô bạo hơn và khó giao tiếp hơn người Ba Na vốn hiền hậu và lịch sự. Ngược lại, người Xê Đăng cũng cố chấp hơn trong các tập tục mê tín, trong khi dân Rơ Ngao thì lười biếng và dửng dưng. Ngoài việc đồng áng như các bộ tộc khác trong vùng, dân Xê Đăng còn làm đồ sắt vài tháng trong năm. Trong những dãy núi họ ở, mỏ sắt rất phong phú và nếu căn cứ trên số lượng và chất lượng của loại sắt mà họ thu hoạch được. Với những phương tiện hết sức thô sơ, ta có thể đoán không sai các mỏ sắt này rất có chất lượng. Tất cả các người dân tộc mà tôi biết đều mua dụng cụ và khí giới nơi bộ tộc Xê Đăng. Tiện thể cũng cần biết: sắt, vải bông và muối là ba mặt hàng buôn bán thông thường nhất ở xứ dân tộc. Người Xê Đăng nắm giữ độc quyền về sắt. Người Rơ Ngao cũng như người Ba Na phía Tây thì trồng bông và dệt vải. Người Ba Na phía Đông, gần An Nam, không có bông, không có sắt, thì buôn bán muối do phía Trung Châu cung cấp. Trong thời điểm tôi đang nói đây, bộ tộc Jrai chiếm cứ một phần đất rộng lớn ở phía Nam sông Dak Bla, nay đã phân tán đi các nơi, sát nhập vào các bộ tộc khác vì sợ dân Ha Drong.
Chúng tôi đã thông báo cho Đức Cha Cuénot biết tất cả những khám phá vừa qua và ngài đã phúc đáp bằng những chỉ dẫn. Qua thư, ngài phân công cho anh em chúng tôi như sau: Cha Fontaine phải ở nơi dân Jrai; Cha Combes được đặt làm Bề trên miền truyền giáo, đại diện Đức Giám Mục và tiếp tục chăm lo cho dân Ba Na; còn tôi phải đến với các chú thợ rèn Xê Đăng. Tại Rơ Ngao (làng Rơ Hai), Thầy Sáu Do và Cha Desgouts cùng với một số anh em trong đoàn đặt bản doanh tại đó. Ý định của Đức Cha là muốn dần dần thiết lập tại xứ Rơ Ngao tốt đẹp này một trang trại kiểu mẫu, vừa là một chiến luỹ đối phó với mọi trường hợp thù địch từ phía người dân tộc, vừa là một địa điểm tập trung, là hậu cần tiếp tế cho các thừa sai trong miền. Cuối cùng, Đức Cha cũng chưa từ bỏ ý định thiết lập một Chủng Viện ở đó. Cũng vì vậy mà ông bạn già của chúng tôi vẫn giữ nhiệm vụ tuyên uý cho cơ sở Rơ Hai, trong khi  chờ đợi triển khai Chủng Viện tương lai, để rồi ngài sẽ thi hành tất cả phận vụ và quyền hành của một Cha Bề trên. Chúng tôi đã nhận biết thánh ý Chúa qua mệnh lệnh của Đức Giám Mục. Vấn đề còn lại là tìm phương tiện để mỗi người đến được nơi đã chỉ định. Cha Combes không phải chuyển đi đâu cả vì đang ở đúng nơi chỉ định rồi, còn Cha già hiền hậu Desgouts chỉ có việc lên thuyền xuôi theo dòng sông đến Rơ Hai. Phần Cha Fontaine và tôi có phần khó khăn hơn một chút.
Ngày kia, Cha Combes xuống Rơ Hai gặp một người dân làng Kon Trang, vốn là một trong những người có thế giá nhất làng tên là Ba Nang. Kon Trang là một làng lớn nằm ở phía Bắc xứ Rơ Ngao, là cửa dẫn vào phần lãnh thổ bộ tộc Xê Đăng. Làng Kon Trang cũng thuộc bộ tộc này và cũng nói tiếng Xê Đăng. Tôi quên nhắc là người Xê Đăng và người Jrai có ngôn ngữ khác nhau và cũng khác ngôn ngữ Ba Na. Kon Trang là một trung tâm mua bán giữa dân Rơ Ngao và dân Xê Đăng. Đôi khi người Lào cũng đến đó để bán trâu, mua nô lệ hoặc vàng, đãi từ sông Pô Kô và từ nhiều con suối khác vốn có rất nhiều vàng. Hơn các dân tộc thiểu số khác, dân làng Kon Trang quen nhìn thấy người Lào nên ít sợ hãi khi thấy người ngoại quốc đến. Cha Bề trên Combes nghĩ nên cố gắng làm cho dân làng này chấp nhận tôi. Vì thế, ngài đề nghị với ông Ba Nang đưa tôi đến Kon Trang. Ông liền đồng ý và đã nán ở lại thêm hai ngày để đợi và dẫn tôi đi, cùng đi có một thầy giảng người Kinh. Cha Combes đã đưa tôi đến ở Kon Trang, nghỉ lại một đêm với tôi. Sáng hôm sau, ngài trở về bỏ tôi một mình trong nhiệm sở mới.
Ít ngày sau, Cha Fontaine đến định cư với người dân tộc Jrai tại làng Plei Chư. Như thế, chúng tôi đã tạo thành một tam giác với ba góc là Kon Kơ Xâm, Kon Trang và Plei Chư. Rơ Hai hầu như nằm ở trung tâm của tam giác này. Cha Fontaine và tôi đều cách xa Rơ Hai trọn một ngày đường. Cha Combes cách xa chỉ nửa ngày. Sau một năm làm quen với thuỷ thổ, khí hậu, tôi đã hồi phục phần nào sức khoẻ trước kia và rồi sáng sớm, có thể ra đi từ Kon Trang đến Kon Kơ Xâm cùng ngày, lúc hoàng hôn.
Nhà Rông Tây nguyên 
Rơ-ngao

  Ba-na 

Xê-đăng         
Jơ-rai

DÂN LÀNG HỒ - Chương VI & Chương VII: Hành trình khảo sát tại Kon Kơxâm. Những nỗ lực của Ma Quỷ nhằm làm hại các nhà thừa sai. Những quan hệ đầu tiên với Kon Kơxâm. Vụ hỏa hoạn. Âm mưu sát hại các thừa sai.




DÂN LÀNG HỒ


Nguyên tác ” LES SAUVAGES BAHNARS “
P. Dourisboure
De la Société des Missions – Étrangères
– PARIS 1929 -

Chương VI:


Hành trình khảo sát tại Kon Kơxâm.


Những nỗ lực của Ma Quỷ nhằm làm hại các nhà thừa sai.

  
Thoạt khi chúng tôi gặp ông Hmur ở làng Kơ Lang và biết ông từ đâu đến, chúng tôi đã vội vã hỏi xem, trong trường hợp chúng tôi đến thăm nhà ông, ông có bằng lòng đón tiếp chúng tôi hay không. Ông trả lời rằng, nếu chúng tôi muốn lưu trú tại Kon Kơ Xâm thì ông không thể cho phép mà không hỏi ý kiến già làng và dân làng trước, nhưng nếu chỉ đi chơi và có ông Bliu tháp tùng thì ông ta sẵn sàng tiếp đón chúng tôi tại nhà riêng của ông một hay hai đêm. Đó là tất cả những gì chúng tôi có thể ước ao trong lúc này; và chúng tôi đã ấn định ngày giờ cụ thể để ông khỏi vắng nhà.
Những người dân tộc ở nơi chúng tôi đến chưa bao giờ nhìn thấy những người ngoại quốc. Để tránh làm họ sợ một cách vô ích, chúng tôi quyết định đi thành nhóm, càng ít người càng tốt, và đi đường vòng. Hai Cha Fontaine và Desgouts ở nhà; Cha Combes, tôi, cùng với Thầy Sáu Do, hai thầy giảng người Kinh và ông Bliu tạo thành đoàn lữ hành 6 người.
Từ Kơ Lang đến Kon Kơ Xâm xa chừng một ngày đường, và trên tuyến đường này có đến bảy, tám làng dân tộc, nhưng chúng tôi không vào một làng nào. Vì không còn con đường nào khác ngoài con đường mòn nối liền các làng với nhau, vì thế, nếu người ta không muốn đi theo các con đường đó thì buộc lòng phải khai thông một lối đi khác xuyên qua cỏ cao bụi rậm trong rừng. Chúng tôi đã làm như thế, và điều đó khiến cuộc hành trình trở nên vô cùng vất vả. Chiều đến, trước khi mặt trời xế bóng, chúng tôi đến gần làng Pơ Năng, cách Kon Kơ Xâm khoảng nửa giờ  đồng hồ. Làng này đang tổ chức lễ hội, dân làng vui chơi nhảy múa, có cả lễ Đâm Trâu của người Ba Na nữa. Tất cả dân làng đã tụ tập trên một sân rộng, lúc chúng tôi đi ngang qua sườn đồi bên kia làng. Ý định của chúng tôi là đi vòng bên ngoài làng để tránh như đã tránh các làng khác. Nhưng chúng tôi đã bị phát hiện và những người dân tội nghiệp này tưởng chúng tôi là kẻ địch đến đánh lén. Ngay lập tức cả làng kinh hãi, hết mọi người đàn ông, đàn bà, trẻ con đều thi nhau la hét hay đúng hơn là rú lên, như họ thường làm khi gặp nguy biến. Nghe thật khủng khiếp. Nhưng khi nhìn thấy chúng tôi đi qua luôn và không có gì đáng lo ngại thì sự yên tĩnh đã dần dần trở lại và niềm vui, trong chốc lát bị xáo trộn, lại tiếp trục trào dâng.
Khi chúng tôi đến hàng rào bao quanh Kon Kơ Xâm thì trời đã sập tối. Cổng làng đóng kín, ông Bliu bèn gọi ông Hmur; nhưng ông này nghĩ rằng, trước khi ra gặp chúng tôi nên báo cho dân làng biết trước về sự hiện diện của chúng tôi. Tất cả đàn ông nhóm họp tại nhà rông để bàn luận xem có nên cho chúng tôi vào làng hay không. Thời đó, ông Hmur là người có uy tín nhất trong làng, vì nổi tiếng chính trực, can đảm khi chiến đấu và tài khéo léo giải quyết những vụ việc khó khăn. Ông đã ủng hộ chúng tôi và ý kiến thuận của ông mang tính quyết định trên nhiều ý kiến của những kẻ khác. Tuy nhiên, cuộc bàn cãi kéo dài và tiếng ồn ào của cuộc thảo luận khá sôi nổi thấu đến tận tai chúng tôi. Phần chúng tôi, vẫn kiên nhẫn đứng trước cổng làng còn đóng kín, chờ đợi mà không biết sự việc sẽ kết thúc ra sao. Cuối cùng, ông Hmur đã giành phần thắng, ông liền ra mở cửa dẫn chúng tôi vào nhà ông và qua đêm ở đó.
Khi đi đến Kon Kơ Xâm, chúng tôi đã gặp một con sông mà chúng tôi đã từng nghe nói đến rất nhiều. Đó là sông Dak Bla, chảy từ Bắc xuống Nam và đến Kon Kơ Xâm thì dòng sông đột ngột đổi hướng rẽ về hướng Tây. Tôi xin nói ngay rằng, con sông khi chảy đến Kon Kơ Xâm thì đã trở nên khá rộng, nhưng vì bị kẹp giữa hai dãy núi làm cho dòng nước nơi đây chảy rất xiết. Ngoại trừ mùa mưa, nước sông dâng lên rất cao, còn bình thường thì không sâu lắm.
Đã từ lâu, Đức Cha Cuénot nghe nói về một con sông chảy qua vùng dân tộc Ba Na và đổ vào con sông lớn bên Lào. Dựa theo những chỉ dẫn đó, thì kế hoạch rao giảng Tin Mừng của Đức Cha lúc đầu bao gồm một miền rộng lớn, trong đó có cả xứ Lào. Như vậy, nhiệm vụ được phân chia như sau: Cha Combes đảm trách việc truyền giáo cho dân tộc Ba Na; Cha Desgouts thiết lập một Tiểu Chủng Viện cho người An Nam; Cha Fontaine và tôi có nhiệm vụ là khi gặp con sông Dak Bla này thì kiếm thuyền mà ngược dòng đến tận Lào. Với mục tiêu ấy, Đức Cha đã gửi cho chúng tôi vài cuốn sách in ở Thái Lan để giúp chúng tôi học tiếng Lào, là ngôn ngữ không khác biệt bao nhiêu so với tiếng người ta nói ở Băngkok; và trong thời gian ở Kơ Lang, giữa những cơn sốt rét, Cha Fontaine và tôi đã miệt mài học ngôn ngữ này. Nhưng kế hoạch lúc đầu đã sớm bị thay đổi. Những cơn bệnh gần như nối tiếp nhau của chúng tôi đã khiến Đức Cha hiểu rằng, chỉ sứ mạng rao giảng Tin Mừng cho người dân tộc thôi cũng đủ làm tiêu hao mau chóng sinh mạng của nhiều vị thừa sai rồi; và vì thiếu nhân sự, nên lúc này đây, một kế hoạch quá rộng lớn như thế trở nên bất khả thi. Bởi thế, trong những lá thư sau cùng mà chúng tôi nhận được, trước khi chúng tôi đến Kon Kơ Xâm, có viết như sau: “Khi các Cha đến chỗ cách Kơ Lang một vài ngày đường về hướng Tây, nếu các Cha gặp được con sông mà người ta đã cho tôi biết, thì chắc các Cha sẽ tìm thấy được vùng đồng bằng nào đó ở hai bên bờ sông; các Cha hãy cắm lều ở đó và hãy biết rằng các Cha đang ở trong vườn nho được giao phó cho các Cha chăm sóc”.
Như vậy, theo chỉ thị của Đức Giám Mục, chuyến đi của chúng tôi nhằm mục đích tìm cho được vùng đồng bằng để thiết lập cơ sở đầu tiên. Bởi thế, lúc nhìn thấy dòng sông Dak Bla, chúng tôi tìm được niềm an ủi lớn lao mà quên đi bao vất vả, nhọc nhằn trên bước hành trình, nhưng quang cảnh địa hình thì còn lâu mới làm chúng tôi hài lòng. Chúng tôi chỉ thấy trước mắt toàn là núi non hiểm trở, khô cằn. Chúng tôi tự nhủ: “Không lý gì một con sông khá rộng như thế này mà suốt dòng sông lại bị ép giữa các đồi núi; thế nào cũng có vùng đồng bằng ở phía hạ lưu”. Niềm hy vọng này đã tăng cường nghị lực cho chúng tôi trong đêm chúng tôi nghỉ lại nhà ông Hmur, người đã đối xử rất mực chân tình với chúng tôi.
Sáng hôm sau, chúng tôi công khai trình diện với dân làng Kon Kơ Xâm. Những người dân đáng thương này chưa bao giờ trông thấy chuyện kỳ lạ như thế. Chúng tôi vui sướng vì đã có thể thoả mãn tính tò mò của họ và dù hết mọi người, kể cả những người mạnh dạn nhất đều giữ một khoảng cách chừng mực, họ có vẻ không sợ hãi lắm. Rất tiếc là chúng tôi không thể trò chuyện với họ, cũng như không thể hỏi họ những chỉ dẫn về các vùng phụ cận vì chúng tôi không biết tiếng Ba Na. Chỉ một mình Thầy Sáu biết được vài từ và vì ngôn ngữ bất đồng nên chính Thầy cũng khó khăn lắm mới làm cho họ hiểu được. Cũng chính vì vậy mà chúng tôi đã luống công vô ích khi cố gắng xin họ một chiếc ghe để xuôi dòng Dak Bla và tìm cho một người hướng dẫn.
Làng Kon Kơ Xâm nằm về phía tả ngạn sông Dak Bla, có rào trấn thủ sát bờ nước. Phía bên kia bờ sông, tức phía Tây, trước mặt chúng tôi là một ngọn núi cao chắn ngang tầm mắt. Trong khi dân làng đang dõi mắt theo chúng tôi thì Cha Combes nói với tôi: “Nào, Cha còn khoẻ, hãy thử trèo lên ngọn núi kia và nhìn thử xem đàng xa có đồng bằng nào không?” Không đợi năn nỉ, tôi tiến về phía ngọn núi một thân một mình trong khi người bạn đồng nghiệp của tôi khiến dân làng tò mò thích thú bằng cách cho họ xem một vài sản phẩm Tây Phương mà họ không ngớt trầm trồ khen ngợi, ngắm nghía.
Cuộc leo núi thật vất vả, tất cả gai góc, dây leo, cỏ rậm sinh trưởng trên mặt đất dường như đã hò hẹn tụ tập nơi chốn này. Nơi đây chẳng có dấu vết đường mòn nào và sườn núi thì lại thẳng đứng như bức tường thành. Cuối cùng, sau nhiều cố gắng, tôi đã lên đến đỉnh núi, hổn hển thở chẳng ra hơi. Chính giữa đỉnh núi có một cây rất cao. Để nhìn được xa tối đa, tôi bèn trèo lên cây này và đã gặp một tai nạn mà cho đến bây giờ, mỗi khi nghĩ đến tôi vẫn còn cảm thấy “dựng tóc gáy”. Trước hết, vì đã cố gắng quá sức để trèo lên đỉnh núi, rồi leo lên cây, rồi gió lạnh đột ngột nhiễm vào người khi thân mình đang ướt đẫm mồ hôi, và có thể còn một lý do nào khác chưa biết nữa; tất cả những điều đó khiến tôi say sẫm mặt mày và bất tỉnh hoàn toàn khi vừa leo đến ngọn cây. Cơn bất tỉnh kéo dài bao lâu? Chỉ vài giây, vài phút hay lâu hơn? Tôi không biết chắc; điều tôi biết rõ ràng là khi tôi tỉnh lại tôi thấy hai tay mình đang ôm chặt thân cây và tôi chợt thất kinh hồn vía. Tôi thưa lớn tiếng: “Lạy Chúa, chỉ mình Chúa đã cứu con thoát chết. Chúc tụng Chúa đến muôn đời”. Cảm giác kinh hoàng mạnh đến nỗi, sau khi tuột xuống đến mặt đất rồi, toàn thân tôi vẫn còn run lẩy bẩy.
Hơn nữa, những vất vả, khó nhọc của tôi đã chẳng đem lại kết quả gì; vì những ngọn núi khác rất gần đó che kín chân trời hướng Tây khiến tôi không nhìn thấy gì cả. Vì vậy, tôi trở về thuật cho Cha Combes nghe về những cố gắng vô ích của tôi và nhất là về lòng thương xót của Chúa Quan Phòng nhân hậu đã ban cho tôi. Tuy không hoàn toàn thành công như lòng mong ước, nhưng cuộc du hành của chúng tôi đến Kon Kơ Xâm đã có tầm quan trọng lớn lao bởi vì nhờ ảnh hưởng của ông Hmur đối với dân làng và mối thịnh tình của ông dành cho chúng tôi, cho nên lúc trở về, chúng tôi đã quyết định sẽ sớm trở lại Kon Kơ Xâm để cất một ngôi nhà định cư ở đó.
Khốn nỗi, trong những ngày chúng tôi lưu trú tại Kơ Lang, có một thanh niên dân tộc tên là Diong-Dia, thường hay đến nhà chúng tôi. Đây là một chàng trai lêu lổng, lười biếng, muốn ăn mà không muốn làm, và thường ngày đến lều chúng tôi chơi suốt buổi. Thỉnh thoảng, anh ta đi đó đây mua gạo giùm cho chúng tôi và hưởng được chút ít lợi lộc, tạm đủ cho anh sống theo sở thích, tức là không phải lao động gì. Khi chúng tôi từ Kon Kơ Xâm về và hắn biết chúng tôi muốn trở lại định cư luôn ở đó, thì hắn hiểu rằng khi chúng tôi đi, hắn sẽ mất chỗ kiếm ăn và nhất định cản trở bằng mọi giá. Để đạt được mục đích này, ma quỷ gợi ra cho nó một phương án đáng gọi là sản phẩm của hoả ngục! Một buổi sáng nọ, gã ta lên đường đi về hướng Kon Kơ Xâm, và, khi dừng lại ở mỗi làng, gã lặp đi lặp lại không biết chán với tất cả dân làng muốn nghe gã, những luận điệu sau đây: “Bà con hãy đề phòng những người ngoại quốc này! Đó là những kẻ sa đọa và đồi trụy phóng túng. Đến nơi đâu, họ đều bắt cóc phụ nữ, họ có một phép thuật phi thường để mê hoặc. Khốn cho ai dám chống lại họ! Bởi vì họ rành khoa bói toán và trù ếm, và những ai họ muốn cho chết là chết ngay”.
Có lẽ chỉ mình ông Hmur, bạn vàng của chúng tôi, là không tin những lời bịa đặt này mà thôi; hơn thế nữa, ông còn can đảm bênh vực chúng tôi. Ông nói với nhiều người khác: “Nếu mà có thật như vậy thì ông Bliu, người đáng tin cậy hơn tên du côn du thực Diong-Dia kia, hẳn đã cho chúng ta hay trước rồi”. Khốn thay, sự dối trá bao giờ cũng tìm được người cả tin hơn là sự thật. Trong xứ này cũng như mọi nơi khác, một chuyện vu khống càng vô lý thì càng có cơ may thành công, vì con người có chiều hướng ưa tin vào điếu xấu hơn là điều tốt. Mặc cho những phản đối và nỗ lực của ông Hmur, thanh danh của chúng tôi đã hoàn toàn bị bôi nhọ, và nhiều nơi chung quanh, mọi người đã bắt đầu thực tâm gớm ghét chúng tôi.
Chúng tôi chỉ biết được những chuyện bịa đặt ma quái này nhiều năm sau này mà thôi. Một khi người dân tộc đã biết rõ chúng tôi, chúng tôi không còn cần phải biện minh gì nữa. Nhưng dầu cho lúc đó, chúng tôi không biết nguyên nhân nào khiến người dân tộc trở mặt đối với chúng tôi, thì cũng không nhờ vậy mà giảm nhẹ những hậu quả tai hại chúng tôi phải gánh chịu. Người dân tộc tránh mặt chúng tôi còn hơn là người ta tránh gặp người mắc bệnh hủi. Nếu trên đường đi mà chúng tôi gặp một người nào, dù là đàn ông hay đàn bà, thoạt thấy chúng tôi từ xa, họ đã ba chân bốn cẳng chạy trốn, biến sâu vào rừng rậm! Nếu chúng tôi đến tận cổng làng nào, thì ngay tức khắc cổng đó được đóng sập lại. Và nếu chúng tôi có kêu dân làng từ bên ngoài, thì họ nói dối rằng họ đang “dieng” (ở cữ), cấm người lạ vào.
Ở đây, tôi thấy cần phải giải nghĩa từ “dieng”. Trong những ngày lễ lớn, khi người ta cúng tế công khai, hoặc để xuôi đuổi một bệnh truyền nhiễm, hoặc vì mục đích nào khác, thì lúc đó làng ở trong tình trạng “dieng”, có nghĩa là cấm người lạ vào làng. Sự ngăn cấm này có thể nhiều hay ít nghiêm nhặt, bao trùm tất cả mọi mối quan hệ thông thường của cuộc sống hay chỉ vài quan hệ nào thôi. Đôi khi nghiêm cấm khắt khe không được nói với người lạ mà người ta gặp trên đường đi, dù chỉ một lời. Trong những trường hợp như thế, người dân tộc nói họ “dieng” làm việc này hay việc kia. Đối với chúng tôi lúc đó, tất cả các làng dân tộc đều nói mình “dieng”, dù có “dieng” thật hay giả vờ. Tình trạng này kéo dài rất lâu tại nhiều nơi. Dần dần sau này, khi anh em dân tộc đã biết rõ chúng tôi, thì các luận điệu gian dối của tên Diong-Dia đã trở nên hiển nhiên đối với mọi người.
Tuy nhiên, vì hoàn toàn không hay biết chuyện người ta đàm tiếu về chúng tôi, nên chúng tôi vẫn tiếp tục chương trình như đã dự định. Những ai trong số các thanh niên trong đoàn mà ít ốm đau được sai đến Kon Kơ Xâm cùng với Thầy Sáu Do để xây một căn nhà nhỏ. Ông Hmur hết lòng đón tiếp họ, nhưng họ đã sớm nhận thấy anh em dân tộc khác không còn sẵn lòng đối với chúng tôi nữa. Tại Kon Kơ Xâm cũng như các nơi khác, chỉ cần nhìn thấy ai vận y phục người Kinh thì tất cả các phụ nữ liền chạy trốn. Khi người của chúng tôi xin phép xây nhà ở trong làng thì mọi người đều từ chối, chỉ trừ ông Hmur. Ông này cho Thầy Sáu biết kết quả cuộc thảo luận như trên và dẫn Thầy đến một nơi xa làng chừng một phần tư dặm, nơi thấp hơn và cũng trên sông Dak Bla và nói: “Các ông hãy xây nhà ở đây. Đất này không thuộc về ai cả, tôi nhận trách nhiệm bảo vệ các ông”. Mặc dầu hết lòng với chúng tôi, người đàn ông can trường này cũng không hề cho chúng tôi biết về những lời bịa đặt mà tên Diong-Dia đã gieo rắc và cũng là nguyên nhân duy nhất làm chúng tôi mất uy tín.
Ngay khi xây nhà xong, Cha Combes và tôi rời Kơ Lang để đến ở Kon Kơ Xâm. Cha Fontaine tội nghiệp chân còn đau nặng nên không thể nghĩ đến chuyến đi, Cha Desgouts hiền hậu cũng phải trì hoãn chuyến đi vì sức khoẻ quá yếu. Nhưng khi ngài tưởng là mình có thể đi được rồi và nhất quyết lên đường đến với chúng tôi, nhưng “lực bất tòng tâm”, dọc đường suýt nữa ngài chấm dứt chút hơi tàn của mình. Số là sau khi đi hay đúng hơn là lê lết cho đến trưa, ngài đã quỵ ngã vì kiệt sức, và người ta phải khiêng ngài đến Kon Kơ Xâm, “dở sống dở chết”. Suốt cả ngày, mỗi lúc trôi đi, chúng tôi lại sợ thấy ngài qua đời! Cha Fontaine một mình ở lại với vài thanh niên đang bệnh và cũng đã bắt đầu thấy chán. Vì không còn chịu nổi, nên đến lượt mình ngài cũng lên đường. Và rồi một ngày đẹp trời, chúng tôi vừa vui mừng vừa ngạc nhiên khi thấy ngài đến với chúng tôi, thở hổn hển chẳng ra hơi. Ngài đã đi bằng một chân, chân kia chống nạng, vượt qua đoạn đường thật khủng khiếp suốt một ngày đàng!

 
  Nhà nguyện Kon Kơxâm xưa ở nơi đây !
   

Chương VII:

  

Những quan hệ đầu tiên với Kon Kơxâm.


Vụ hỏa hoạn.


Âm mưu sát hại các thừa sai.

 


Vậy là giờ đây cả bốn anh em thừa sai chúng tôi đã được đoàn tụ trong nơi ở mới. Nhưng xét về mặt con người, thì hoàn cảnh chúng tôi thật đáng buồn và thất vọng. Chúng tôi, những thừa sai được Chúa gửi đến rao giảng Tin Mừng, để chiến đấu đến cùng chống lại quỷ dữ, chống lại tất cả những xu hướng xấu xa mà chúng xúi giục và muốn duy trì trong tâm hồn con người, thế mà, ngay từ đầu, chúng tôi đã bị xem như là những kẻ đồng lõa của hỏa ngục, những kẻ truyền bá các đam mê xấu xa, hèn hạ nhất!
Ôi! Biết bao lần trong các dịp chúng tôi đi quan sát trong vùng khi thấy anh chị em dân tộc đáng thương chạy trốn, thì lẽ nào con tim chúng tôi lại không rướm máu, quặn đau khôn xiết! Chúa Giêsu nhân hậu đã nói với người phụ nữ xứ Samaria: “Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa, và ai là người nói với chị: ‘cho tôi chút nước uống’, thì hẳn chị đã xin, và người ấy đã ban cho chị nước hằng sống” (Ga 4, 10). Những lời nói dịu dàng này rất thường đến trong tâm trí tôi. Đôi khi vì không thể làm cho anh em dân tộc hiểu được mình, cũng không làm sao cho tiếng nói của mình đến tai họ được, tôi phải la lên từ xa với những kẻ đang chạy trốn, cho dù họ chẳng nghe: “Hỡi người anh em dân tộc đáng thương và yêu quý! Giá mà anh em biết được tôi thương yêu anh em và muốn làm điều tốt lành cho anh em! Giá mà anh em biết được, vì yêu mến anh em, tôi đã không quản ngại vất vả nhọc nhằn! Tôi đã vượt biển cả và coi thường bão tố! Giá mà anh em biết được tổ quốc tôi phồn vinh như  thế nào, mà tôi đành lìa bỏ chỉ vì anh em! Ôi, nhất là anh em có thể biết được mẹ của tôi, một người mẹ tốt lành, thánh thiện, ở cách xa đây sáu nghìn dặm, mà tôi đã phải đau nhói lòng nói lời vĩnh biệt bà! Và tất cả các điều đó, chỉ vì yêu quý anh em, mà anh em lại chạy trốn tôi, lại sợ hãi tôi, người bạn tốt nhất của anh em!”
Nhưng dù đau buồn thế nào đi nữa, tâm hồn chúng tôi cũng không bao giờ thất vọng. Nghĩ đến lẽ sắt son của đức tin, chúng tôi nhanh chóng được an ủi; khi nhớ đến xưa kia Chúa Giêsu Kitô không được nhìn nhận, bị sỉ nhục, bị loại trừ, chúng tôi lại thấy bừng cháy lên trong lòng một niềm hăng say mới. Sự căm ghét mà người ta dành cho chúng tôi chính là bảo chứng được Chúa chúc lành. Cha Combes từng nói với anh em chúng tôi: “Hãy nhìn lại lịch sử tất cả công cuộc truyền giáo của Giáo Hội, việc rao giảng Tin Mừng lúc khởi đầu luôn gặp vô vàn khó khăn và bách hại. Nơi nào mà lúc đầu các nhà truyền giáo không gặp thử thách, thì đó là dấu hiệu Chúa không mấy chúc lành, và công việc của họ chỉ gặt hái được kết quả không đáng kể. Nếu quỷ dữ khuấy động, tru trếu, gầm thét, đó là vì nó sợ, nó cảm thấy công việc của nó sắp thất bại. Vậy hãy can đảm lên, khiêm nhường, tin cậy nơi Chúa, và chúng ta sẽ đạt được mục đích, bất chấp quỷ dữ, và thậm chí khó khăn hơn nữa, bất chấp tội lỗi của chúng ta”.
Trong những thời gian đầu lưu trú tại Kon Kơ Xâm, không một người dân làng nào dám lai vãng đến gần nơi chúng tôi ở. Chỉ một mình ông Hmur, hằng ngày, sau việc đồng áng, đến thăm chúng tôi. Có khi ông ngủ lại đêm với chúng tôi. Tuy rất thân thiện và tin tưởng chúng tôi, ngay đêm đầu tiên ngủ tại nhà chúng tôi đã làm cho ông một phen khiếp sợ. Đêm đến, theo thói quen, anh em người Kinh bắt đầu đọc kinh chung với nhau, hay đúng hơn là hát kinh. Giọng kinh lúc thì buồn buồn, trang trọng, lúc thì mau lẹ, ngân nga tạo cho ông một ấn tượng kỳ lạ. Ông không biết nên chạy trốn hay ở lại, muôn ngàn nỗi sợ hãi dị đoan làm xáo trộn tâm hồn ông và ông nằm “án binh bất động” vì kinh khiếp. Buổi đọc kinh kết thúc, anh em lại bắt đầu trò chuyện và cười đùa như thường. Bấy giờ, ông Hmur mới cảm thấy yên tâm. Và sau này ông đã thú nhận với chúng tôi là ông cảm thấy như được cất khỏi một khối nặng khủng khiếp đè trên lồng ngực.
Trong nhiều tháng liền, chính ông Hmur đã đảm nhận cung cấp lương thực cho chúng tôi. Năm đó, làng Kon Kơ Xâm mất mùa lúa và cơn đói bắt đầu. Do đó, dân làng không thể trợ giúp chúng tôi, dầu cho họ có thiện chí đi nữa. Vì vậy, ông Hmur buộc phải đi đến những làng khác, thường rất xa, để mua đủ gạo nuôi sống vài chục người chúng tôi lúc bấy giờ. Ngoài gạo ra, thỉnh thoảng ông mua thêm vài con gà, vài tá chuột hun khói và nhiều thứ linh tinh khác nữa. Mặc dầu, nghèo khó như tất cả đồng bào của mình, nhưng ông Hmur không bao giờ tìm cách bám víu chúng tôi để làm giàu, hay lợi dụng khi có cơ hội. Không bao giờ ông xin xỏ chúng tôi thứ gì cả, và khi chúng tôi biếu ông chút gì đó để đáp lại phần nào nỗi vất vả mất thời giờ để phục vụ chúng tôi, thì ông luôn đón nhận với lòng biết ơn, dù món quà chẳng đáng là bao.
Ông Hmur có một cô em gái góa chồng, cũng tốt lành như ông. Chính cô là người giã gạo cho chúng tôi, cũng chính nhờ cô mà các phụ nữ làng Kon Kơ Xâm không còn sợ hãi chúng tôi nữa. Ông Hmur rất thương em mình và đã nhận nuôi đứa con trai duy nhất của cô, vì vợ chồng ông son sẻ. Như vậy, gia đình họ có tất cả bốn thành viên: ông Hmur, Hmon – em gái ông, Jieng – vợ ông và Tót, con trai độc nhất của Hmon. Tôi liệt kê ra đây những cái tên này, bởi vì đó chính là danh tánh bốn người Ba Na đầu tiên mà Thiên Chúa đã ghi vào sổ hằng sống. Nếu ơn đức tin không thuần tuý là ơn nhưng không thì bốn người này thật xứng đáng lãnh nhận hồng ân đó nhờ công lao của chính họ. Sau này chúng ta sẽ thấy Chúa tỏ ra quảng đại xiết bao đối với linh hồn họ. Tấm lòng của những nhà thừa sai chúng tôi, do ơn gọi, là bạn của những linh hồn cần được cứu rỗi, chúng tôi đã yêu quý những linh hồn này bằng một tình mến đặc biệt. Vì vậy, hằng ngày chúng tôi đã cầu xin Chúa nhân lành ban cho họ ơn nhận biết và thờ phượng Người. Cha Combes thường nói: “Rồi đây anh em sẽ thấy, ông Hmur sẽ là tân tòng đầu tiên của chúng ta”. Ngài đã nói đúng!
Chúng tôi sớm hiểu rằng trong một xứ nghèo như thế này, nơi nạn đói vốn thường chiếm trọn một phần ba quỹ thời gian hằng năm, quả thật sẽ khó mà tìm đủ mua lương thực cần thiết để sống. Vì vậy, chúng tôi đã nghĩ đến việc tự mình trồng trọt quanh nhà. Không ai bảo ai, mỗi người trong đoàn đều ra sức lao động, và Chúa đã cho mồ hôi, công sức chúng tôi đổ ra sinh hoa kết trái: mùa gặt lúa đầu tiên, chúng tôi đã có đủ lương thực ăn trong sáu tháng, không cần phải tìm mua thêm.
Nhưng, trước khi đề cập đến mùa gặt này, thiết tưởng nên thuật lại một tai họa bất ngờ xảy đến, suýt nữa gây cho chúng tôi những hậu quả nghiêm trọng trong lúc phát quang rừng. Chúng tôi đốn cây, phát dọn từ nhiều ngày trước. Và khi cây đã khô, chúng tôi đốt rẫy theo cách người dân tộc quen làm; nhưng vì thiếu kinh nghiệm, chúng tôi đã không chú ý đến việc đề phòng để khoanh vùng đám cháy. Mỗi người cứ việc châm lửa vào chung quanh đám rẫy, vì thế chẳng mấy chốc ngọn lửa bùng phát lên tứ phía, bập bùng và dữ dội. Khi chúng tôi thấy ngọn lửa lan toả nhanh chóng khủng khiếp, chúng tôi vô cùng hoảng sợ. Thoạt tiên, chúng tôi tưởng ngọn lửa chỉ tác động chút ít đến các cây cối trong rừng, nhưng khi nhìn thấy ngọn lửa thiêu rụi các bụi rậm, cây con, cả những cây cao lớn như một nắm rơm khô, thì chúng tôi mới tri hô cầu cứu. May thay ngày hôm đó, tất cả dân làng Kon Kơ Xâm đều ở nhà làm việc tập thể bên trong chiến luỹ của làng. Khi nhìn thấy ngọn lửa bốc cao trên không trung, họ biết chúng tôi đang gặp tai họa và tất cả mọi người từ nhỏ đến lớn, thanh niên cũng như bô lão, đều nhanh chân chạy đến. Đám cháy vẫn không ngừng lan toả, chỉ còn vài phút nữa thì chính ngôi làng cũng sẽ trở thành mồi ngon cho ngọn lửa. Nhờ tích luỹ được kinh nghiệm, dân làng liền châm lửa đốt từ chỗ họ đứng cho lửa cháy lan tới rừng. Khi hai đám cháy tiến đến gặp nhau thì chúng sẽ mau chóng yếu đi vì không còn mồi cháy nữa, và cuối cùng lụi tắt.
Trong đời tôi, chưa bao giờ tôi sợ hãi như ngày hôm đó. Nếu Chúa cho phép ngọn lửa thiêu rụi làng Kon Kơ Xâm thì may ra chỉ có phép lạ mới cứu chúng tôi khỏi mất mạng và công cuộc truyền giáo cho anh em dân tộc mới không thoát cảnh “bị bóp chết ngay khi còn trong trứng nước”. Trong ngày định mệnh đó, Cha Combes và tôi đã gặp nguy biến. Khi ngọn lửa bắt đầu bùng phát thì chúng tôi đang ở giữa rẫy. Vì chú tâm vào tai hoạ đang đe doạ, hai chúng tôi không nhận thấy mình đang bị lửa bao quanh không còn lối thoát ra. Bỗng nhiên, Cha Combes la lên: “Ô kìa, chúng ta bị nhốt giữa đám lửa! Mau mau chạy về phía bờ sông!” Nói rồi làm liền, miệng lẩm bẩm kêu cầu Đức Trinh Nữ, hai chúng tôi phóng qua đám lửa và lao mình xuống dòng sông Dak Bla. Nếu đã có lần chúng tôi thật lòng hát kinh Te Deum (Cảm tạ Chúa), thì đúng là ngày hôm ấy! Thế mới biết Chúa đã gìn giữ các thừa sai của Người như chính con ngươi mắt Chúa!
Ma quỷ hằng lợi dụng mọi điều để khuấy động anh em dân tộc chống lại chúng tôi, nên nó đã không bỏ lỡ cơ hội tốt đẹp này để gây hại cho chúng tôi. Vụ hỏa hoạn này làm chúng tôi kinh hoàng, buồn phiền khôn tả, và bị kẻ thù muôn kiếp khai thác để làm cho anh em Ba Na nghi kỵ chúng tôi nhiều hơn nữa. Đối với ai biết được tính hiếu hoà và bản chất dịu hiền nơi phong hoá của họ thì không thể giải thích khác hơn về mưu đồ mà dân làng Kon Kơ Xâm đã ngấm ngầm chống đối chúng tôi. Thật vậy, làm sao hiểu được việc họ đã muốn đến ngay tận nhà, lạnh lùng tàn sát chúng tôi, trong khi bình thường họ là những người hiền lành và rất sợ đổ máu? Nhưng ma quỷ đã nhúng tay vào; nó luôn toàn quyền thống trị trên những miền đất bất hạnh này; lòng căm thù của nó đối với các linh hồn đã luôn được thoả mãn nơi đây. Bấy giờ, vì sự hiện diện của các linh mục của Chúa Kitô, vương quốc của nó bị đe doạ sụp đổ, nên nó thử thực hiện một cố gắng cuối cùng hầu mong khỏi tan rã. Sự việc xảy ra như sau:
   Một ngày kia, dân làng Kon Kơ Xâm đang cùng uống rượu với các anh em thuộc một số làng lân cận được họ mời đến tham dự tiệc. Ông Hmur, người bạn chí cốt của chúng tôi, cũng mời chúng tôi đến đó uống rượu do chính ông làm. Hôm đó, tôi không lên cơn sốt, Cha Combes cũng không. Chúng tôi nhận lời và cùng với một vài anh em khác theo ông vào nhà rông. Mọi người đã tụ tập ở đó, trò chuyện huyên náo, uống đã hả hê, hơi men dường như bốc lên tận đầu. Ông Hmur uống ít, gương mặt mọi khi tươi vui, nay có vẻ nghiêm nghị và lo âu. Ông biết có một âm mưu đã hình thành để hãm hại chúng tôi; ông cũng biết danh tính những kẻ cầm đầu nữa. Theo âm mưu đã vạch sẵn, đêm hôm sau, thừa lúc đêm tối, bọn chúng bất ngờ đến bao vây nhà chúng tôi, đánh úp khi chúng tôi đang ngủ và sẽ giết sạch chúng tôi. Đương nhiên, người ta không lôi kéo ông Hmur tham gia vào tội ác mà ai cũng biết ông không bao giờ chấp nhận, nhưng một vài người bạn thân đã tiết lộ cho ông biết tất cả chi tiết âm mưu này. Và vì thế, không cần báo trước về mối nguy hiểm đang đe doạ chúng tôi, mà ông lại dẫn chúng tôi đến giữa nơi dân làng đang tụ tập. Ông muốn ra đòn công khai bảo vệ chúng tôi, một mình chống lại tất cả bọn họ.
Hmur là một người có thân hình cao to, lực lưỡng hơn mọi cư dân khác trong làng Kon Kơ Xâm. Lúc bấy giờ, ông khoảng bốn mươi tuổi, chân tay rắn chắc vì đang độ sung sức. Ông nổi tiếng can đảm, dân làng đã thường thấy ông dẫn đần họ, với vẻ thản nhiên xem thường nguy hiểm, một mình chống chọi với kẻ thù và bắt chúng làm tù binh. Giọng nói vang vang của ông, khi cần, gieo rắc nỗi khiếp sợ vào lòng người nghe. Tắt một lời, ông có tất cả cái dũng lực khiến kẻ khác phải nể sợ và kính phục.
Khi chúng tôi đã ngồi ở nhà rông một lúc khá lâu, ông Hmur không thể nén giận được nữa, mặt bừng bừng nộ khí, đột ngột đứng lên giữa đám đông, cất giọng sang sảng: “Tôi biết có nhiều người quy tội cho tôi đã kết bạn với những người Kinh này và trách tôi sao lại mời họ đến dự buổi tiệc rượu hôm nay. Tại sao những người Kinh này lại có những kẻ thù trong chúng ta? Họ đã làm điều gì xấu? Họ đã phạm điều gì bất công? Nếu họ ăn gạo của các người thì họ đã trả tiền và không ai ép các người bán cho họ. Có ai trong các người, từ đứa bé cho đến ông già, đã bị họ làm điều gì xúc phạm? Vậy thì hãy đứng lên xem nào, các người là những kẻ chỉ biết nói thầm, nói lén và âm mưu điều ác trong bóng tối. Đồ hèn nhát! Ai dám trả lời, tôi thách người đó đứng lên! Phải, tôi nói thẳng trước mặt cả làng rằng tôi thương những người xa lạ này, bởi vì họ tốt lành và một mình tôi đây, tôi biết bảo vệ công lý cho họ”. Nói rồi, ông lao nhanh đến bếp lửa, chụp lấy một thanh củi đang cháy, và kê sát vào cuống họng, sau đó gọi tên cầm đầu vụ âm mưu và nói: “Hỡi thằng hèn nhát, nếu mày dám chống lại tao, thì hãy theo tao mà cắn vào thanh củi này và thề kết hận với tao như tao thề kết hận với mày”. Bầu khí im lặng nặng nề bao trùm cả gian nhà mà trước đó náo động tiếng chuyện trò. Trong căn nhà rộng lớn đầy người này, người ta có thể nghe được tiếng ruồi bay qua. Không một người nào dám trả lời ông Hmur. Tên cầm đầu bị gọi đích danh thì run lên như lá cây trước gió, hắn rối rít xin lỗi và vụ việc kết thúc tại đó.
Phần chúng tôi, vì chưa rành tiếng Ba Na nên chúng tôi không hiểu chút nào màn kịch kỳ quái này. Nhưng hai ba năm sau, kẻ cầm đầu âm mưu đã trở lại Đạo, được lãnh nhận phép Rửa và trở nên một Kitô hữu sốt sắng. Lúc đó, nhớ lại tội ác mà mình đã suýt phạm, anh ta tức giận cho chính mình và để lương tâm thôi cắn rứt, anh đã đến sấp mình dưới chân Cha Combes. Anh ta biết sẽ làm cho Cha Combes ngạc nhiên và cũng biết rằng chúng tôi hoàn toàn mù tịt về mối nguy hiểm đến tính mạng mà chúng tôi may mắn thoát khỏi, tất cả là do lòng nham hiểm của anh ta, nhưng nay anh ta không thể im lặng được nữa. Anh kêu lên: “Con là kẻ khốn nạn! Thưa Cha, trước kia con đã muốn ám sát Cha. Nhưng nay, nếu ai muốn tấn công Cha thì con sẽ có mặt để bảo vệ Cha và chết vì Cha. Ai đụng đến Cha thì phải bước qua xác của con”. Và anh đã thuật lại mọi việc trên đây, cũng như những lời nói hùng hồn của ông Hmur mà lúc bấy giờ chúng tôi nghe tận tai, nhưng đã không hiểu gì cả.
(CÒN TIẾP)