Thứ Ba, 6 tháng 5, 2014

DÂN LÀNG HỒ - Chương V: Những ngày ở Kơ -lang




DÂN LÀNG HỒ


Nguyên tác ” LES SAUVAGES BAHNARS “
P. Dourisboure
De la Société des Missions – Étrangères
– PARIS 1929 -

Chương V:

Những ngày ở Kơ -lang


Như đã kể, hai Cha Combes và Fontaine đang trú ngụ trong một cái lều nhỏ do chính các ngài dựng lên giữa rừng Kơ Lang. Dân làng hiếm khi đến thăm các ngài, nhưng ngược lại, hằng ngày có Chúa Giêsu đến viếng thăm. Tuy nhiên, tôi nói hơi quá rồi, không phải hằng ngày, bởi nhiều lần họ đã không đủ sức để bước lên bàn thờ nữa. Sốt rét rừng đã ập xuống trên mọi người trong nhóm chúng tôi không trừ một ai, và không có sức mạnh nào hay thân hình mập béo nào có thể cầm cự lâu khi bị căn bệnh quái ác này tấn công!
Do đó, khi nghe tiếng chúng tôi đến, Cha Combes bước ra khỏi chòi, nhưng tôi không còn nhận ra ngài nữa dù chúng tôi đã chung sống với nhau khá lâu tại Chủng Viện Hội Thừa Sai Paris, và chỉ vừa mới rời xa nhau chưa đầy một năm. Tôi nói với ngài: “Sao, ngài chính là Cha Combes đấy ư? Không thể như thế được”. Sau khi thốt ra những lời kinh ngạc ấy, tôi nhảy qua con suối khá rộng ngăn cách giữa hai chúng tôi. Cha Combes trả lời: “Để xem, sáu tháng nữa Cha còn có thể nhảy qua con suối được như vậy nữa không! Thế nhưng, dầu sao, vẫn cứ vui, hoan hô! Xin chúc tụng Thiên Chúa nhân lành đã tụ họp chúng ta nơi đây, dưới cánh tay Quan Phòng của Người”. Bấy giờ, tôi bắt đầu ngạc nhiên vì không thấy bóng dáng Cha Fontaine đâu cả, thì bỗng một giọng nói vọng ra từ trong căn lều: “Tôi là nhân vật hết sức quan trọng, vì thế tôi không ra đón các vị đâu, xin các vị cảm phiền đến tận nơi tôi nhé”. Tội nghiệp Cha Fontaine! Mấy ngày trước ngài bị thương ở chân, vì ở xứ này, một vết thương nhỏ thôi cũng dễ dàng gây nhiễm trùng, do đó, cả cái chân của ngài trông thật thảm hại. Nhưng lòng can đảm đã giúp ngài nhẫn nại chịu đựng đau, và ngài vẫn vui vẻ như thường.
Vậy là bốn anh em thừa sai chúng tôi cùng nhau ở chung trong một túp lều tồi tàn, không giống chỗ ở của con người chút nào, tương tự như Thánh Gioan Tẩy Giả đã sống với thú vật ngoài rừng. Trong số những người mới đến, Cha Desgouts là người đầu tiên phải gánh chịu sự hành hạ của phong thổ nơi đây. Chẳng bao lâu, lời tiên báo của Cha Combes về tôi đã được ứng nghiệm.
Vừa “chân ướt chân ráo”, mới đến chưa đầy mười lăm ngày, tôi đã cảm thấy những triệu chứng lây nhiễm của bệnh sốt rét. Vì chưa bao giờ bị sốt rét, nên lúc đầu tôi đã không nhận ra nó ngay. Tôi cảm thấy toàn thân nóng ran cách bất thường; nhưng tôi không nghĩ cần phải nói chuyện đó với các bạn tôi, những người từng trải, mà lại âm thầm đi tắm ở con suối gần đó. Vừa mới ngâm mình xuống nước, tôi cảm thấy toàn bộ huyết mạch trong người như đóng băng lại. Tôi trở về nhà và nằm sóng xoài trên nền đất, vật vã với cơn sốt rét khủng khiếp. Người càng cường tráng, càng khỏe mạnh, thì tác động của cơn sốt càng dữ dội. Vì thế, ngay những cơn sốt đầu tiên, tôi đã run cầm cập, thân mình như nẩy lên nẩy xuống trên chiếc chiếu manh trải dưới nền đất. Và khi cơn lạnh run vừa dứt, thì cơn nóng sốt như lửa đốt lại nối tiếp khiến tôi hầu như mê sảng. Đến đây, không cần phải nói, sức lực của tôi sút giảm mau chóng đến mức yếu nhược như các bạn đồng nghiệp của tôi. Trong những ngày ở Kơ Lang, nhiều lần sau khi tiến lên bàn thờ, tôi đã phải bỏ ngang trước phần kết lễ, thậm chí có lần tôi đã đột quỵ ngã ngửa. Tuy nhiên, tôi phải luôn ngợi khen Chúa Quan Phòng vì chưa bao giờ tôi buộc phải ngưng Thánh Lễ sau khi cử hành nghi thức truyền phép. Các Cha khác cũng thế, chính các ngài, hơn một lần, đã phải bỏ Thánh Lễ giữa chừng nhưng chưa bao giờ buộc phải bỏ khi có sự hiện diện của Bí Tích Cực Thánh trên bàn thờ.
Giữa muôn ngàn thử thách ấy, chúng tôi vẫn sung sướng khi nghĩ rằng chúng tôi có mặt ở nơi đây là do Thánh ý của Chúa nhân lành. Điều đó nâng đỡ lòng can đảm nơi chúng tôi và chúng tôi tìm thấy niềm an ủi khi so sánh hoàn cảnh của mình với hoàn cảnh của Chúa Giêsu trong chuồng bò hôi hám. Mỗi người chúng tôi thường nằm xoài người trên chiếc chiếu manh trải ở bốn góc xung quanh bếp lửa giữa lều. Những ai lên cơn sốt thì cố mà chống chọi với nó, những ai vừa nguôi cơn sốt thì cầu nguyện, cười đùa, hát thánh vịnh, trò chuyện, hoặc hút thuốc. Ban ngày, ai được cơn sốt cho tạm nghỉ thì vào rừng kiếm măng, hái rau, bứt lá cây, rễ cỏ, bất cứ thứ gì miễn là ăn được, đem về nấu trong nồi đất để ăn với cơm, vốn là thực phẩm duy nhất của chúng tôi. Có một hôm trúng mánh lớn: một thanh niên người Kinh trong đoàn bắt được một con cá to bằng con cá trích ở suối, đây quả là một sự kiện. Cha Combes, với tư cách là Bề trên, chia con cá thành bốn phần bằng nhau và mỗi người trịnh trọng đặt khúc cá trên tô cơm của mình. Trái lại, cũng có đôi lần chúng tôi phải ăn chay hoàn toàn vì mọi người đều đau một lượt, không có ai còn sức để thổi cơm.
Khi khoẻ mạnh và muốn ăn thì cơm trắng cũng nuốt trôi dễ dàng; nhưng khi bị sốt, miệng đắng, thấy cơm là ngán, chỉ cần ngửi mùi của cơm, nhất là khi cơm nóng, cũng đủ thấy nhợn bao tử. Tệ hơn nữa, trong thời gian đầu, nhiều khi sáng ngày thức dậy, chúng tôi không biết liệu còn đủ gạo để ăn trong ngày hay không. Nhưng nhờ Chúa Quan Phòng lo liệu, chưa có ngày nào mà chúng tôi không tìm đủ gạo để nấu, ít ra là cho một bữa ăn. Chúa nhân lành đã soi lòng mở trí cho cư dân của một làng tên là Kon Kơ Mo, để họ không khiếp sợ chúng tôi nhiều như anh em dân tộc các làng khác; và chính họ, hầu như mỗi ngày, đã cung cấp gạo cho chúng tôi ăn suốt thời gian tạm trú trong rừng Kơ Lang.
Vài tuần sau khi tôi đến Kơ Lang, Bok Kiêm, bạn của Thầy Sáu, đã đến thăm chúng tôi. Đến giờ ăn tối, thấy bên cạnh nồi cơm chỉ có rau cỏ hái ngoài rừng, ông đã ứa nước mắt. Hai ngày sau, các gia nhân của ông đã đem đến tặng chúng tôi một phần tư con trâu, một con heo và mấy con gà.
Khi cơn sốt để yên cho vài ngày, chúng tôi tranh thủ đi thăm các làng lân cận. Mặc dầu chân đau, Cha Combes cũng thường đi cùng chúng tôi. Ngài can đảm cắn răng chịu đau mà lê bước, thật cố gắng. Chính một trong những lần đi thăm này mà Cha Combes đã dẫm phải mũi chông tre đâm xuyên bàn chân. Chúng tôi phải lấy vài nhành cây làm cáng khiêng ngài về lều, và sau mười lăm ngày nghỉ ngơi, ngài mới tập tễnh bước đi được.
Ngày tháng trôi qua, chúng tôi xin ông Bliu dẫn chúng tôi đi xa hơn, nhưng vô ích. Ông đã thăm dò một vài nơi và đều bị từ chối, không một làng nào muốn mở cổng tiếp đón chúng tôi. Dù vậy, chúng tôi cũng không thể cứ ở mãi trong lều ngoài rừng được. Ở lại như thế rất nguy hiểm vì quá gần vùng hoạt động của các lái buôn người Kinh. Như ông Bliu đã tiên đoán, sự hiên diện của chúng tôi sẽ không thể giữ kín được lâu. Một vài người trong bọn họ đã đến tận làng Kơ Lang để xác minh sự thật; nhưng tuân lệnh ông Bliu, dân làng đã trả lời là không có ai xa lạ trú ngụ tại làng. Họ tìm kiếm khắp làng, không thấy chi đáng nghi ngờ và đã ra về. Nhưng rất có thể họ sẽ thành công trong lần thăm dò khác. Vả lại, căn chòi nơi chúng tôi ẩn trú lại nằm ở một nơi khí hậu rất độc hại. Chúng tôi sống như thể ở dưới đáy một cái phễu, thường xuyên ẩm ướt, và không khí ngột ngạt. Những cơn sốt rét dồn dập đã làm cho một người trong đoàn chúng tôi phát điên và từ đó trở đi, anh ta không bao giờ hồi phục được trí khôn! Chàng trai tội nghiệp này cởi hết quần áo, cột lên ngọn cây cao nhất, rồi trần truồng chạy vào rừng sâu. Có lần, ba ngày không tìm ra anh ta, chúng tôi phải mượn tất cả những con chó trong làng Kơ Lang đuổi theo dấu vết của anh ta như là săn thú. Khi chúng tôi tìm thấy anh thì miệng anh đầy cỏ dại, đang nhai lở dở! Về sau, bệnh tình của anh có thuyên giảm nhưng anh ta vẫn mãi mãi bị khờ dại. Những cơn mê sảng thường xuyên do sốt rét gây ra làm chúng tôi lo ngại liệu mình có lâm vào cảnh bất hạnh như thế không. Chúc tụng Chúa vì Người đã gìn giữ chúng tôi!
Khi viết những chi tiết về tháng ngày sống tại Kơ Lang thì mắt tôi ứa lệ. Nhưng nếu không nói quá thì đó là những giọt nước mắt hạnh phúc. Những sự khốn cùng của chúng tôi lúc đó là những khốn cùng dấu yêu, bởi vì Chúa Giêsu đã ướp chúng bằng sự dịu ngọt khôn tả! Lúc đó, tương lai đối với chúng tôi đang bị bao phủ bởi bóng tối mịt mờ; chúng tôi sẽ ra sao, sẽ đi về đâu. Khắp mọi hướng đều xa lạ, không lối thoát, không hy vọng. Nhưng chúng tôi hài lòng. Chúng tôi nói với nhau: “Toàn thể địa cầu là của Chúa – Domini est terra et plenitudo ejus – dù ở nơi nào, chúng tôi cũng luôn nằm dưới cánh tay của Thiên Chúa tốt lành. Chúng ta hãy vững tin để Chúa không chê trách chúng ta như Người đã chê trách các Tông Đồ xưa kia: ‘Tại sao các con lại sợ, hỡi những người yếu Đức Tin?’”.
Một hôm, trong một lúc xúc động vừa dịu ngọt vừa lo buồn ấy, Cha Combes đã nói với chúng tôi: “Ôi! Nếu trước khi lìa trần mà tôi được diễm phúc ban phép Rửa Tội cho năm người lớn hay dạy giáo lý và chuẩn bị cho mười lăm dự tòng thì tôi vui mừng đọc kinh “Nunc dimittis!” (Giờ đây, xin Chúa để con ra đi bình an)”. Lời khẩn nguyện đầy lòng bác ái, hăng say này đã làm Chúa động lòng. Ngay khi Cha bày tỏ ước nguyện đó, thì Chúa Quan Phòng đã hướng dẫn những bước chân của một người đến với chúng tôi, người mà sau này sẽ là tân tòng đầu tiên của Chúa. Một người bà con của ông Bliu, tên là Hmur, ở làng Kon Kơ Xâm, cách đó một ngày đường về phía Tây, đã đến Kơ Lang để làm công việc gì đó tôi không rõ. Sau này, tôi sẽ có dịp thường xuyên nói về con người này, một người đã giúp đỡ chúng tôi hơn ai hết, trong những nỗ lực để vun trồng Đức Tin cho đồng bào dân tộc và Chúa đã trả công cho sự nhiệt tâm của ông đối với chúng tôi bằng cách cho ông lãnh nhận phép Thanh Tẩy đầu tiên trong toàn dân tộc Ba Na.

(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét