Thứ Ba, 6 tháng 5, 2014

DÂN LÀNG HỒ - Chương VI & Chương VII: Hành trình khảo sát tại Kon Kơxâm. Những nỗ lực của Ma Quỷ nhằm làm hại các nhà thừa sai. Những quan hệ đầu tiên với Kon Kơxâm. Vụ hỏa hoạn. Âm mưu sát hại các thừa sai.




DÂN LÀNG HỒ


Nguyên tác ” LES SAUVAGES BAHNARS “
P. Dourisboure
De la Société des Missions – Étrangères
– PARIS 1929 -

Chương VI:


Hành trình khảo sát tại Kon Kơxâm.


Những nỗ lực của Ma Quỷ nhằm làm hại các nhà thừa sai.

  
Thoạt khi chúng tôi gặp ông Hmur ở làng Kơ Lang và biết ông từ đâu đến, chúng tôi đã vội vã hỏi xem, trong trường hợp chúng tôi đến thăm nhà ông, ông có bằng lòng đón tiếp chúng tôi hay không. Ông trả lời rằng, nếu chúng tôi muốn lưu trú tại Kon Kơ Xâm thì ông không thể cho phép mà không hỏi ý kiến già làng và dân làng trước, nhưng nếu chỉ đi chơi và có ông Bliu tháp tùng thì ông ta sẵn sàng tiếp đón chúng tôi tại nhà riêng của ông một hay hai đêm. Đó là tất cả những gì chúng tôi có thể ước ao trong lúc này; và chúng tôi đã ấn định ngày giờ cụ thể để ông khỏi vắng nhà.
Những người dân tộc ở nơi chúng tôi đến chưa bao giờ nhìn thấy những người ngoại quốc. Để tránh làm họ sợ một cách vô ích, chúng tôi quyết định đi thành nhóm, càng ít người càng tốt, và đi đường vòng. Hai Cha Fontaine và Desgouts ở nhà; Cha Combes, tôi, cùng với Thầy Sáu Do, hai thầy giảng người Kinh và ông Bliu tạo thành đoàn lữ hành 6 người.
Từ Kơ Lang đến Kon Kơ Xâm xa chừng một ngày đường, và trên tuyến đường này có đến bảy, tám làng dân tộc, nhưng chúng tôi không vào một làng nào. Vì không còn con đường nào khác ngoài con đường mòn nối liền các làng với nhau, vì thế, nếu người ta không muốn đi theo các con đường đó thì buộc lòng phải khai thông một lối đi khác xuyên qua cỏ cao bụi rậm trong rừng. Chúng tôi đã làm như thế, và điều đó khiến cuộc hành trình trở nên vô cùng vất vả. Chiều đến, trước khi mặt trời xế bóng, chúng tôi đến gần làng Pơ Năng, cách Kon Kơ Xâm khoảng nửa giờ  đồng hồ. Làng này đang tổ chức lễ hội, dân làng vui chơi nhảy múa, có cả lễ Đâm Trâu của người Ba Na nữa. Tất cả dân làng đã tụ tập trên một sân rộng, lúc chúng tôi đi ngang qua sườn đồi bên kia làng. Ý định của chúng tôi là đi vòng bên ngoài làng để tránh như đã tránh các làng khác. Nhưng chúng tôi đã bị phát hiện và những người dân tội nghiệp này tưởng chúng tôi là kẻ địch đến đánh lén. Ngay lập tức cả làng kinh hãi, hết mọi người đàn ông, đàn bà, trẻ con đều thi nhau la hét hay đúng hơn là rú lên, như họ thường làm khi gặp nguy biến. Nghe thật khủng khiếp. Nhưng khi nhìn thấy chúng tôi đi qua luôn và không có gì đáng lo ngại thì sự yên tĩnh đã dần dần trở lại và niềm vui, trong chốc lát bị xáo trộn, lại tiếp trục trào dâng.
Khi chúng tôi đến hàng rào bao quanh Kon Kơ Xâm thì trời đã sập tối. Cổng làng đóng kín, ông Bliu bèn gọi ông Hmur; nhưng ông này nghĩ rằng, trước khi ra gặp chúng tôi nên báo cho dân làng biết trước về sự hiện diện của chúng tôi. Tất cả đàn ông nhóm họp tại nhà rông để bàn luận xem có nên cho chúng tôi vào làng hay không. Thời đó, ông Hmur là người có uy tín nhất trong làng, vì nổi tiếng chính trực, can đảm khi chiến đấu và tài khéo léo giải quyết những vụ việc khó khăn. Ông đã ủng hộ chúng tôi và ý kiến thuận của ông mang tính quyết định trên nhiều ý kiến của những kẻ khác. Tuy nhiên, cuộc bàn cãi kéo dài và tiếng ồn ào của cuộc thảo luận khá sôi nổi thấu đến tận tai chúng tôi. Phần chúng tôi, vẫn kiên nhẫn đứng trước cổng làng còn đóng kín, chờ đợi mà không biết sự việc sẽ kết thúc ra sao. Cuối cùng, ông Hmur đã giành phần thắng, ông liền ra mở cửa dẫn chúng tôi vào nhà ông và qua đêm ở đó.
Khi đi đến Kon Kơ Xâm, chúng tôi đã gặp một con sông mà chúng tôi đã từng nghe nói đến rất nhiều. Đó là sông Dak Bla, chảy từ Bắc xuống Nam và đến Kon Kơ Xâm thì dòng sông đột ngột đổi hướng rẽ về hướng Tây. Tôi xin nói ngay rằng, con sông khi chảy đến Kon Kơ Xâm thì đã trở nên khá rộng, nhưng vì bị kẹp giữa hai dãy núi làm cho dòng nước nơi đây chảy rất xiết. Ngoại trừ mùa mưa, nước sông dâng lên rất cao, còn bình thường thì không sâu lắm.
Đã từ lâu, Đức Cha Cuénot nghe nói về một con sông chảy qua vùng dân tộc Ba Na và đổ vào con sông lớn bên Lào. Dựa theo những chỉ dẫn đó, thì kế hoạch rao giảng Tin Mừng của Đức Cha lúc đầu bao gồm một miền rộng lớn, trong đó có cả xứ Lào. Như vậy, nhiệm vụ được phân chia như sau: Cha Combes đảm trách việc truyền giáo cho dân tộc Ba Na; Cha Desgouts thiết lập một Tiểu Chủng Viện cho người An Nam; Cha Fontaine và tôi có nhiệm vụ là khi gặp con sông Dak Bla này thì kiếm thuyền mà ngược dòng đến tận Lào. Với mục tiêu ấy, Đức Cha đã gửi cho chúng tôi vài cuốn sách in ở Thái Lan để giúp chúng tôi học tiếng Lào, là ngôn ngữ không khác biệt bao nhiêu so với tiếng người ta nói ở Băngkok; và trong thời gian ở Kơ Lang, giữa những cơn sốt rét, Cha Fontaine và tôi đã miệt mài học ngôn ngữ này. Nhưng kế hoạch lúc đầu đã sớm bị thay đổi. Những cơn bệnh gần như nối tiếp nhau của chúng tôi đã khiến Đức Cha hiểu rằng, chỉ sứ mạng rao giảng Tin Mừng cho người dân tộc thôi cũng đủ làm tiêu hao mau chóng sinh mạng của nhiều vị thừa sai rồi; và vì thiếu nhân sự, nên lúc này đây, một kế hoạch quá rộng lớn như thế trở nên bất khả thi. Bởi thế, trong những lá thư sau cùng mà chúng tôi nhận được, trước khi chúng tôi đến Kon Kơ Xâm, có viết như sau: “Khi các Cha đến chỗ cách Kơ Lang một vài ngày đường về hướng Tây, nếu các Cha gặp được con sông mà người ta đã cho tôi biết, thì chắc các Cha sẽ tìm thấy được vùng đồng bằng nào đó ở hai bên bờ sông; các Cha hãy cắm lều ở đó và hãy biết rằng các Cha đang ở trong vườn nho được giao phó cho các Cha chăm sóc”.
Như vậy, theo chỉ thị của Đức Giám Mục, chuyến đi của chúng tôi nhằm mục đích tìm cho được vùng đồng bằng để thiết lập cơ sở đầu tiên. Bởi thế, lúc nhìn thấy dòng sông Dak Bla, chúng tôi tìm được niềm an ủi lớn lao mà quên đi bao vất vả, nhọc nhằn trên bước hành trình, nhưng quang cảnh địa hình thì còn lâu mới làm chúng tôi hài lòng. Chúng tôi chỉ thấy trước mắt toàn là núi non hiểm trở, khô cằn. Chúng tôi tự nhủ: “Không lý gì một con sông khá rộng như thế này mà suốt dòng sông lại bị ép giữa các đồi núi; thế nào cũng có vùng đồng bằng ở phía hạ lưu”. Niềm hy vọng này đã tăng cường nghị lực cho chúng tôi trong đêm chúng tôi nghỉ lại nhà ông Hmur, người đã đối xử rất mực chân tình với chúng tôi.
Sáng hôm sau, chúng tôi công khai trình diện với dân làng Kon Kơ Xâm. Những người dân đáng thương này chưa bao giờ trông thấy chuyện kỳ lạ như thế. Chúng tôi vui sướng vì đã có thể thoả mãn tính tò mò của họ và dù hết mọi người, kể cả những người mạnh dạn nhất đều giữ một khoảng cách chừng mực, họ có vẻ không sợ hãi lắm. Rất tiếc là chúng tôi không thể trò chuyện với họ, cũng như không thể hỏi họ những chỉ dẫn về các vùng phụ cận vì chúng tôi không biết tiếng Ba Na. Chỉ một mình Thầy Sáu biết được vài từ và vì ngôn ngữ bất đồng nên chính Thầy cũng khó khăn lắm mới làm cho họ hiểu được. Cũng chính vì vậy mà chúng tôi đã luống công vô ích khi cố gắng xin họ một chiếc ghe để xuôi dòng Dak Bla và tìm cho một người hướng dẫn.
Làng Kon Kơ Xâm nằm về phía tả ngạn sông Dak Bla, có rào trấn thủ sát bờ nước. Phía bên kia bờ sông, tức phía Tây, trước mặt chúng tôi là một ngọn núi cao chắn ngang tầm mắt. Trong khi dân làng đang dõi mắt theo chúng tôi thì Cha Combes nói với tôi: “Nào, Cha còn khoẻ, hãy thử trèo lên ngọn núi kia và nhìn thử xem đàng xa có đồng bằng nào không?” Không đợi năn nỉ, tôi tiến về phía ngọn núi một thân một mình trong khi người bạn đồng nghiệp của tôi khiến dân làng tò mò thích thú bằng cách cho họ xem một vài sản phẩm Tây Phương mà họ không ngớt trầm trồ khen ngợi, ngắm nghía.
Cuộc leo núi thật vất vả, tất cả gai góc, dây leo, cỏ rậm sinh trưởng trên mặt đất dường như đã hò hẹn tụ tập nơi chốn này. Nơi đây chẳng có dấu vết đường mòn nào và sườn núi thì lại thẳng đứng như bức tường thành. Cuối cùng, sau nhiều cố gắng, tôi đã lên đến đỉnh núi, hổn hển thở chẳng ra hơi. Chính giữa đỉnh núi có một cây rất cao. Để nhìn được xa tối đa, tôi bèn trèo lên cây này và đã gặp một tai nạn mà cho đến bây giờ, mỗi khi nghĩ đến tôi vẫn còn cảm thấy “dựng tóc gáy”. Trước hết, vì đã cố gắng quá sức để trèo lên đỉnh núi, rồi leo lên cây, rồi gió lạnh đột ngột nhiễm vào người khi thân mình đang ướt đẫm mồ hôi, và có thể còn một lý do nào khác chưa biết nữa; tất cả những điều đó khiến tôi say sẫm mặt mày và bất tỉnh hoàn toàn khi vừa leo đến ngọn cây. Cơn bất tỉnh kéo dài bao lâu? Chỉ vài giây, vài phút hay lâu hơn? Tôi không biết chắc; điều tôi biết rõ ràng là khi tôi tỉnh lại tôi thấy hai tay mình đang ôm chặt thân cây và tôi chợt thất kinh hồn vía. Tôi thưa lớn tiếng: “Lạy Chúa, chỉ mình Chúa đã cứu con thoát chết. Chúc tụng Chúa đến muôn đời”. Cảm giác kinh hoàng mạnh đến nỗi, sau khi tuột xuống đến mặt đất rồi, toàn thân tôi vẫn còn run lẩy bẩy.
Hơn nữa, những vất vả, khó nhọc của tôi đã chẳng đem lại kết quả gì; vì những ngọn núi khác rất gần đó che kín chân trời hướng Tây khiến tôi không nhìn thấy gì cả. Vì vậy, tôi trở về thuật cho Cha Combes nghe về những cố gắng vô ích của tôi và nhất là về lòng thương xót của Chúa Quan Phòng nhân hậu đã ban cho tôi. Tuy không hoàn toàn thành công như lòng mong ước, nhưng cuộc du hành của chúng tôi đến Kon Kơ Xâm đã có tầm quan trọng lớn lao bởi vì nhờ ảnh hưởng của ông Hmur đối với dân làng và mối thịnh tình của ông dành cho chúng tôi, cho nên lúc trở về, chúng tôi đã quyết định sẽ sớm trở lại Kon Kơ Xâm để cất một ngôi nhà định cư ở đó.
Khốn nỗi, trong những ngày chúng tôi lưu trú tại Kơ Lang, có một thanh niên dân tộc tên là Diong-Dia, thường hay đến nhà chúng tôi. Đây là một chàng trai lêu lổng, lười biếng, muốn ăn mà không muốn làm, và thường ngày đến lều chúng tôi chơi suốt buổi. Thỉnh thoảng, anh ta đi đó đây mua gạo giùm cho chúng tôi và hưởng được chút ít lợi lộc, tạm đủ cho anh sống theo sở thích, tức là không phải lao động gì. Khi chúng tôi từ Kon Kơ Xâm về và hắn biết chúng tôi muốn trở lại định cư luôn ở đó, thì hắn hiểu rằng khi chúng tôi đi, hắn sẽ mất chỗ kiếm ăn và nhất định cản trở bằng mọi giá. Để đạt được mục đích này, ma quỷ gợi ra cho nó một phương án đáng gọi là sản phẩm của hoả ngục! Một buổi sáng nọ, gã ta lên đường đi về hướng Kon Kơ Xâm, và, khi dừng lại ở mỗi làng, gã lặp đi lặp lại không biết chán với tất cả dân làng muốn nghe gã, những luận điệu sau đây: “Bà con hãy đề phòng những người ngoại quốc này! Đó là những kẻ sa đọa và đồi trụy phóng túng. Đến nơi đâu, họ đều bắt cóc phụ nữ, họ có một phép thuật phi thường để mê hoặc. Khốn cho ai dám chống lại họ! Bởi vì họ rành khoa bói toán và trù ếm, và những ai họ muốn cho chết là chết ngay”.
Có lẽ chỉ mình ông Hmur, bạn vàng của chúng tôi, là không tin những lời bịa đặt này mà thôi; hơn thế nữa, ông còn can đảm bênh vực chúng tôi. Ông nói với nhiều người khác: “Nếu mà có thật như vậy thì ông Bliu, người đáng tin cậy hơn tên du côn du thực Diong-Dia kia, hẳn đã cho chúng ta hay trước rồi”. Khốn thay, sự dối trá bao giờ cũng tìm được người cả tin hơn là sự thật. Trong xứ này cũng như mọi nơi khác, một chuyện vu khống càng vô lý thì càng có cơ may thành công, vì con người có chiều hướng ưa tin vào điếu xấu hơn là điều tốt. Mặc cho những phản đối và nỗ lực của ông Hmur, thanh danh của chúng tôi đã hoàn toàn bị bôi nhọ, và nhiều nơi chung quanh, mọi người đã bắt đầu thực tâm gớm ghét chúng tôi.
Chúng tôi chỉ biết được những chuyện bịa đặt ma quái này nhiều năm sau này mà thôi. Một khi người dân tộc đã biết rõ chúng tôi, chúng tôi không còn cần phải biện minh gì nữa. Nhưng dầu cho lúc đó, chúng tôi không biết nguyên nhân nào khiến người dân tộc trở mặt đối với chúng tôi, thì cũng không nhờ vậy mà giảm nhẹ những hậu quả tai hại chúng tôi phải gánh chịu. Người dân tộc tránh mặt chúng tôi còn hơn là người ta tránh gặp người mắc bệnh hủi. Nếu trên đường đi mà chúng tôi gặp một người nào, dù là đàn ông hay đàn bà, thoạt thấy chúng tôi từ xa, họ đã ba chân bốn cẳng chạy trốn, biến sâu vào rừng rậm! Nếu chúng tôi đến tận cổng làng nào, thì ngay tức khắc cổng đó được đóng sập lại. Và nếu chúng tôi có kêu dân làng từ bên ngoài, thì họ nói dối rằng họ đang “dieng” (ở cữ), cấm người lạ vào.
Ở đây, tôi thấy cần phải giải nghĩa từ “dieng”. Trong những ngày lễ lớn, khi người ta cúng tế công khai, hoặc để xuôi đuổi một bệnh truyền nhiễm, hoặc vì mục đích nào khác, thì lúc đó làng ở trong tình trạng “dieng”, có nghĩa là cấm người lạ vào làng. Sự ngăn cấm này có thể nhiều hay ít nghiêm nhặt, bao trùm tất cả mọi mối quan hệ thông thường của cuộc sống hay chỉ vài quan hệ nào thôi. Đôi khi nghiêm cấm khắt khe không được nói với người lạ mà người ta gặp trên đường đi, dù chỉ một lời. Trong những trường hợp như thế, người dân tộc nói họ “dieng” làm việc này hay việc kia. Đối với chúng tôi lúc đó, tất cả các làng dân tộc đều nói mình “dieng”, dù có “dieng” thật hay giả vờ. Tình trạng này kéo dài rất lâu tại nhiều nơi. Dần dần sau này, khi anh em dân tộc đã biết rõ chúng tôi, thì các luận điệu gian dối của tên Diong-Dia đã trở nên hiển nhiên đối với mọi người.
Tuy nhiên, vì hoàn toàn không hay biết chuyện người ta đàm tiếu về chúng tôi, nên chúng tôi vẫn tiếp tục chương trình như đã dự định. Những ai trong số các thanh niên trong đoàn mà ít ốm đau được sai đến Kon Kơ Xâm cùng với Thầy Sáu Do để xây một căn nhà nhỏ. Ông Hmur hết lòng đón tiếp họ, nhưng họ đã sớm nhận thấy anh em dân tộc khác không còn sẵn lòng đối với chúng tôi nữa. Tại Kon Kơ Xâm cũng như các nơi khác, chỉ cần nhìn thấy ai vận y phục người Kinh thì tất cả các phụ nữ liền chạy trốn. Khi người của chúng tôi xin phép xây nhà ở trong làng thì mọi người đều từ chối, chỉ trừ ông Hmur. Ông này cho Thầy Sáu biết kết quả cuộc thảo luận như trên và dẫn Thầy đến một nơi xa làng chừng một phần tư dặm, nơi thấp hơn và cũng trên sông Dak Bla và nói: “Các ông hãy xây nhà ở đây. Đất này không thuộc về ai cả, tôi nhận trách nhiệm bảo vệ các ông”. Mặc dầu hết lòng với chúng tôi, người đàn ông can trường này cũng không hề cho chúng tôi biết về những lời bịa đặt mà tên Diong-Dia đã gieo rắc và cũng là nguyên nhân duy nhất làm chúng tôi mất uy tín.
Ngay khi xây nhà xong, Cha Combes và tôi rời Kơ Lang để đến ở Kon Kơ Xâm. Cha Fontaine tội nghiệp chân còn đau nặng nên không thể nghĩ đến chuyến đi, Cha Desgouts hiền hậu cũng phải trì hoãn chuyến đi vì sức khoẻ quá yếu. Nhưng khi ngài tưởng là mình có thể đi được rồi và nhất quyết lên đường đến với chúng tôi, nhưng “lực bất tòng tâm”, dọc đường suýt nữa ngài chấm dứt chút hơi tàn của mình. Số là sau khi đi hay đúng hơn là lê lết cho đến trưa, ngài đã quỵ ngã vì kiệt sức, và người ta phải khiêng ngài đến Kon Kơ Xâm, “dở sống dở chết”. Suốt cả ngày, mỗi lúc trôi đi, chúng tôi lại sợ thấy ngài qua đời! Cha Fontaine một mình ở lại với vài thanh niên đang bệnh và cũng đã bắt đầu thấy chán. Vì không còn chịu nổi, nên đến lượt mình ngài cũng lên đường. Và rồi một ngày đẹp trời, chúng tôi vừa vui mừng vừa ngạc nhiên khi thấy ngài đến với chúng tôi, thở hổn hển chẳng ra hơi. Ngài đã đi bằng một chân, chân kia chống nạng, vượt qua đoạn đường thật khủng khiếp suốt một ngày đàng!

 
  Nhà nguyện Kon Kơxâm xưa ở nơi đây !
   

Chương VII:

  

Những quan hệ đầu tiên với Kon Kơxâm.


Vụ hỏa hoạn.


Âm mưu sát hại các thừa sai.

 


Vậy là giờ đây cả bốn anh em thừa sai chúng tôi đã được đoàn tụ trong nơi ở mới. Nhưng xét về mặt con người, thì hoàn cảnh chúng tôi thật đáng buồn và thất vọng. Chúng tôi, những thừa sai được Chúa gửi đến rao giảng Tin Mừng, để chiến đấu đến cùng chống lại quỷ dữ, chống lại tất cả những xu hướng xấu xa mà chúng xúi giục và muốn duy trì trong tâm hồn con người, thế mà, ngay từ đầu, chúng tôi đã bị xem như là những kẻ đồng lõa của hỏa ngục, những kẻ truyền bá các đam mê xấu xa, hèn hạ nhất!
Ôi! Biết bao lần trong các dịp chúng tôi đi quan sát trong vùng khi thấy anh chị em dân tộc đáng thương chạy trốn, thì lẽ nào con tim chúng tôi lại không rướm máu, quặn đau khôn xiết! Chúa Giêsu nhân hậu đã nói với người phụ nữ xứ Samaria: “Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa, và ai là người nói với chị: ‘cho tôi chút nước uống’, thì hẳn chị đã xin, và người ấy đã ban cho chị nước hằng sống” (Ga 4, 10). Những lời nói dịu dàng này rất thường đến trong tâm trí tôi. Đôi khi vì không thể làm cho anh em dân tộc hiểu được mình, cũng không làm sao cho tiếng nói của mình đến tai họ được, tôi phải la lên từ xa với những kẻ đang chạy trốn, cho dù họ chẳng nghe: “Hỡi người anh em dân tộc đáng thương và yêu quý! Giá mà anh em biết được tôi thương yêu anh em và muốn làm điều tốt lành cho anh em! Giá mà anh em biết được, vì yêu mến anh em, tôi đã không quản ngại vất vả nhọc nhằn! Tôi đã vượt biển cả và coi thường bão tố! Giá mà anh em biết được tổ quốc tôi phồn vinh như  thế nào, mà tôi đành lìa bỏ chỉ vì anh em! Ôi, nhất là anh em có thể biết được mẹ của tôi, một người mẹ tốt lành, thánh thiện, ở cách xa đây sáu nghìn dặm, mà tôi đã phải đau nhói lòng nói lời vĩnh biệt bà! Và tất cả các điều đó, chỉ vì yêu quý anh em, mà anh em lại chạy trốn tôi, lại sợ hãi tôi, người bạn tốt nhất của anh em!”
Nhưng dù đau buồn thế nào đi nữa, tâm hồn chúng tôi cũng không bao giờ thất vọng. Nghĩ đến lẽ sắt son của đức tin, chúng tôi nhanh chóng được an ủi; khi nhớ đến xưa kia Chúa Giêsu Kitô không được nhìn nhận, bị sỉ nhục, bị loại trừ, chúng tôi lại thấy bừng cháy lên trong lòng một niềm hăng say mới. Sự căm ghét mà người ta dành cho chúng tôi chính là bảo chứng được Chúa chúc lành. Cha Combes từng nói với anh em chúng tôi: “Hãy nhìn lại lịch sử tất cả công cuộc truyền giáo của Giáo Hội, việc rao giảng Tin Mừng lúc khởi đầu luôn gặp vô vàn khó khăn và bách hại. Nơi nào mà lúc đầu các nhà truyền giáo không gặp thử thách, thì đó là dấu hiệu Chúa không mấy chúc lành, và công việc của họ chỉ gặt hái được kết quả không đáng kể. Nếu quỷ dữ khuấy động, tru trếu, gầm thét, đó là vì nó sợ, nó cảm thấy công việc của nó sắp thất bại. Vậy hãy can đảm lên, khiêm nhường, tin cậy nơi Chúa, và chúng ta sẽ đạt được mục đích, bất chấp quỷ dữ, và thậm chí khó khăn hơn nữa, bất chấp tội lỗi của chúng ta”.
Trong những thời gian đầu lưu trú tại Kon Kơ Xâm, không một người dân làng nào dám lai vãng đến gần nơi chúng tôi ở. Chỉ một mình ông Hmur, hằng ngày, sau việc đồng áng, đến thăm chúng tôi. Có khi ông ngủ lại đêm với chúng tôi. Tuy rất thân thiện và tin tưởng chúng tôi, ngay đêm đầu tiên ngủ tại nhà chúng tôi đã làm cho ông một phen khiếp sợ. Đêm đến, theo thói quen, anh em người Kinh bắt đầu đọc kinh chung với nhau, hay đúng hơn là hát kinh. Giọng kinh lúc thì buồn buồn, trang trọng, lúc thì mau lẹ, ngân nga tạo cho ông một ấn tượng kỳ lạ. Ông không biết nên chạy trốn hay ở lại, muôn ngàn nỗi sợ hãi dị đoan làm xáo trộn tâm hồn ông và ông nằm “án binh bất động” vì kinh khiếp. Buổi đọc kinh kết thúc, anh em lại bắt đầu trò chuyện và cười đùa như thường. Bấy giờ, ông Hmur mới cảm thấy yên tâm. Và sau này ông đã thú nhận với chúng tôi là ông cảm thấy như được cất khỏi một khối nặng khủng khiếp đè trên lồng ngực.
Trong nhiều tháng liền, chính ông Hmur đã đảm nhận cung cấp lương thực cho chúng tôi. Năm đó, làng Kon Kơ Xâm mất mùa lúa và cơn đói bắt đầu. Do đó, dân làng không thể trợ giúp chúng tôi, dầu cho họ có thiện chí đi nữa. Vì vậy, ông Hmur buộc phải đi đến những làng khác, thường rất xa, để mua đủ gạo nuôi sống vài chục người chúng tôi lúc bấy giờ. Ngoài gạo ra, thỉnh thoảng ông mua thêm vài con gà, vài tá chuột hun khói và nhiều thứ linh tinh khác nữa. Mặc dầu, nghèo khó như tất cả đồng bào của mình, nhưng ông Hmur không bao giờ tìm cách bám víu chúng tôi để làm giàu, hay lợi dụng khi có cơ hội. Không bao giờ ông xin xỏ chúng tôi thứ gì cả, và khi chúng tôi biếu ông chút gì đó để đáp lại phần nào nỗi vất vả mất thời giờ để phục vụ chúng tôi, thì ông luôn đón nhận với lòng biết ơn, dù món quà chẳng đáng là bao.
Ông Hmur có một cô em gái góa chồng, cũng tốt lành như ông. Chính cô là người giã gạo cho chúng tôi, cũng chính nhờ cô mà các phụ nữ làng Kon Kơ Xâm không còn sợ hãi chúng tôi nữa. Ông Hmur rất thương em mình và đã nhận nuôi đứa con trai duy nhất của cô, vì vợ chồng ông son sẻ. Như vậy, gia đình họ có tất cả bốn thành viên: ông Hmur, Hmon – em gái ông, Jieng – vợ ông và Tót, con trai độc nhất của Hmon. Tôi liệt kê ra đây những cái tên này, bởi vì đó chính là danh tánh bốn người Ba Na đầu tiên mà Thiên Chúa đã ghi vào sổ hằng sống. Nếu ơn đức tin không thuần tuý là ơn nhưng không thì bốn người này thật xứng đáng lãnh nhận hồng ân đó nhờ công lao của chính họ. Sau này chúng ta sẽ thấy Chúa tỏ ra quảng đại xiết bao đối với linh hồn họ. Tấm lòng của những nhà thừa sai chúng tôi, do ơn gọi, là bạn của những linh hồn cần được cứu rỗi, chúng tôi đã yêu quý những linh hồn này bằng một tình mến đặc biệt. Vì vậy, hằng ngày chúng tôi đã cầu xin Chúa nhân lành ban cho họ ơn nhận biết và thờ phượng Người. Cha Combes thường nói: “Rồi đây anh em sẽ thấy, ông Hmur sẽ là tân tòng đầu tiên của chúng ta”. Ngài đã nói đúng!
Chúng tôi sớm hiểu rằng trong một xứ nghèo như thế này, nơi nạn đói vốn thường chiếm trọn một phần ba quỹ thời gian hằng năm, quả thật sẽ khó mà tìm đủ mua lương thực cần thiết để sống. Vì vậy, chúng tôi đã nghĩ đến việc tự mình trồng trọt quanh nhà. Không ai bảo ai, mỗi người trong đoàn đều ra sức lao động, và Chúa đã cho mồ hôi, công sức chúng tôi đổ ra sinh hoa kết trái: mùa gặt lúa đầu tiên, chúng tôi đã có đủ lương thực ăn trong sáu tháng, không cần phải tìm mua thêm.
Nhưng, trước khi đề cập đến mùa gặt này, thiết tưởng nên thuật lại một tai họa bất ngờ xảy đến, suýt nữa gây cho chúng tôi những hậu quả nghiêm trọng trong lúc phát quang rừng. Chúng tôi đốn cây, phát dọn từ nhiều ngày trước. Và khi cây đã khô, chúng tôi đốt rẫy theo cách người dân tộc quen làm; nhưng vì thiếu kinh nghiệm, chúng tôi đã không chú ý đến việc đề phòng để khoanh vùng đám cháy. Mỗi người cứ việc châm lửa vào chung quanh đám rẫy, vì thế chẳng mấy chốc ngọn lửa bùng phát lên tứ phía, bập bùng và dữ dội. Khi chúng tôi thấy ngọn lửa lan toả nhanh chóng khủng khiếp, chúng tôi vô cùng hoảng sợ. Thoạt tiên, chúng tôi tưởng ngọn lửa chỉ tác động chút ít đến các cây cối trong rừng, nhưng khi nhìn thấy ngọn lửa thiêu rụi các bụi rậm, cây con, cả những cây cao lớn như một nắm rơm khô, thì chúng tôi mới tri hô cầu cứu. May thay ngày hôm đó, tất cả dân làng Kon Kơ Xâm đều ở nhà làm việc tập thể bên trong chiến luỹ của làng. Khi nhìn thấy ngọn lửa bốc cao trên không trung, họ biết chúng tôi đang gặp tai họa và tất cả mọi người từ nhỏ đến lớn, thanh niên cũng như bô lão, đều nhanh chân chạy đến. Đám cháy vẫn không ngừng lan toả, chỉ còn vài phút nữa thì chính ngôi làng cũng sẽ trở thành mồi ngon cho ngọn lửa. Nhờ tích luỹ được kinh nghiệm, dân làng liền châm lửa đốt từ chỗ họ đứng cho lửa cháy lan tới rừng. Khi hai đám cháy tiến đến gặp nhau thì chúng sẽ mau chóng yếu đi vì không còn mồi cháy nữa, và cuối cùng lụi tắt.
Trong đời tôi, chưa bao giờ tôi sợ hãi như ngày hôm đó. Nếu Chúa cho phép ngọn lửa thiêu rụi làng Kon Kơ Xâm thì may ra chỉ có phép lạ mới cứu chúng tôi khỏi mất mạng và công cuộc truyền giáo cho anh em dân tộc mới không thoát cảnh “bị bóp chết ngay khi còn trong trứng nước”. Trong ngày định mệnh đó, Cha Combes và tôi đã gặp nguy biến. Khi ngọn lửa bắt đầu bùng phát thì chúng tôi đang ở giữa rẫy. Vì chú tâm vào tai hoạ đang đe doạ, hai chúng tôi không nhận thấy mình đang bị lửa bao quanh không còn lối thoát ra. Bỗng nhiên, Cha Combes la lên: “Ô kìa, chúng ta bị nhốt giữa đám lửa! Mau mau chạy về phía bờ sông!” Nói rồi làm liền, miệng lẩm bẩm kêu cầu Đức Trinh Nữ, hai chúng tôi phóng qua đám lửa và lao mình xuống dòng sông Dak Bla. Nếu đã có lần chúng tôi thật lòng hát kinh Te Deum (Cảm tạ Chúa), thì đúng là ngày hôm ấy! Thế mới biết Chúa đã gìn giữ các thừa sai của Người như chính con ngươi mắt Chúa!
Ma quỷ hằng lợi dụng mọi điều để khuấy động anh em dân tộc chống lại chúng tôi, nên nó đã không bỏ lỡ cơ hội tốt đẹp này để gây hại cho chúng tôi. Vụ hỏa hoạn này làm chúng tôi kinh hoàng, buồn phiền khôn tả, và bị kẻ thù muôn kiếp khai thác để làm cho anh em Ba Na nghi kỵ chúng tôi nhiều hơn nữa. Đối với ai biết được tính hiếu hoà và bản chất dịu hiền nơi phong hoá của họ thì không thể giải thích khác hơn về mưu đồ mà dân làng Kon Kơ Xâm đã ngấm ngầm chống đối chúng tôi. Thật vậy, làm sao hiểu được việc họ đã muốn đến ngay tận nhà, lạnh lùng tàn sát chúng tôi, trong khi bình thường họ là những người hiền lành và rất sợ đổ máu? Nhưng ma quỷ đã nhúng tay vào; nó luôn toàn quyền thống trị trên những miền đất bất hạnh này; lòng căm thù của nó đối với các linh hồn đã luôn được thoả mãn nơi đây. Bấy giờ, vì sự hiện diện của các linh mục của Chúa Kitô, vương quốc của nó bị đe doạ sụp đổ, nên nó thử thực hiện một cố gắng cuối cùng hầu mong khỏi tan rã. Sự việc xảy ra như sau:
   Một ngày kia, dân làng Kon Kơ Xâm đang cùng uống rượu với các anh em thuộc một số làng lân cận được họ mời đến tham dự tiệc. Ông Hmur, người bạn chí cốt của chúng tôi, cũng mời chúng tôi đến đó uống rượu do chính ông làm. Hôm đó, tôi không lên cơn sốt, Cha Combes cũng không. Chúng tôi nhận lời và cùng với một vài anh em khác theo ông vào nhà rông. Mọi người đã tụ tập ở đó, trò chuyện huyên náo, uống đã hả hê, hơi men dường như bốc lên tận đầu. Ông Hmur uống ít, gương mặt mọi khi tươi vui, nay có vẻ nghiêm nghị và lo âu. Ông biết có một âm mưu đã hình thành để hãm hại chúng tôi; ông cũng biết danh tính những kẻ cầm đầu nữa. Theo âm mưu đã vạch sẵn, đêm hôm sau, thừa lúc đêm tối, bọn chúng bất ngờ đến bao vây nhà chúng tôi, đánh úp khi chúng tôi đang ngủ và sẽ giết sạch chúng tôi. Đương nhiên, người ta không lôi kéo ông Hmur tham gia vào tội ác mà ai cũng biết ông không bao giờ chấp nhận, nhưng một vài người bạn thân đã tiết lộ cho ông biết tất cả chi tiết âm mưu này. Và vì thế, không cần báo trước về mối nguy hiểm đang đe doạ chúng tôi, mà ông lại dẫn chúng tôi đến giữa nơi dân làng đang tụ tập. Ông muốn ra đòn công khai bảo vệ chúng tôi, một mình chống lại tất cả bọn họ.
Hmur là một người có thân hình cao to, lực lưỡng hơn mọi cư dân khác trong làng Kon Kơ Xâm. Lúc bấy giờ, ông khoảng bốn mươi tuổi, chân tay rắn chắc vì đang độ sung sức. Ông nổi tiếng can đảm, dân làng đã thường thấy ông dẫn đần họ, với vẻ thản nhiên xem thường nguy hiểm, một mình chống chọi với kẻ thù và bắt chúng làm tù binh. Giọng nói vang vang của ông, khi cần, gieo rắc nỗi khiếp sợ vào lòng người nghe. Tắt một lời, ông có tất cả cái dũng lực khiến kẻ khác phải nể sợ và kính phục.
Khi chúng tôi đã ngồi ở nhà rông một lúc khá lâu, ông Hmur không thể nén giận được nữa, mặt bừng bừng nộ khí, đột ngột đứng lên giữa đám đông, cất giọng sang sảng: “Tôi biết có nhiều người quy tội cho tôi đã kết bạn với những người Kinh này và trách tôi sao lại mời họ đến dự buổi tiệc rượu hôm nay. Tại sao những người Kinh này lại có những kẻ thù trong chúng ta? Họ đã làm điều gì xấu? Họ đã phạm điều gì bất công? Nếu họ ăn gạo của các người thì họ đã trả tiền và không ai ép các người bán cho họ. Có ai trong các người, từ đứa bé cho đến ông già, đã bị họ làm điều gì xúc phạm? Vậy thì hãy đứng lên xem nào, các người là những kẻ chỉ biết nói thầm, nói lén và âm mưu điều ác trong bóng tối. Đồ hèn nhát! Ai dám trả lời, tôi thách người đó đứng lên! Phải, tôi nói thẳng trước mặt cả làng rằng tôi thương những người xa lạ này, bởi vì họ tốt lành và một mình tôi đây, tôi biết bảo vệ công lý cho họ”. Nói rồi, ông lao nhanh đến bếp lửa, chụp lấy một thanh củi đang cháy, và kê sát vào cuống họng, sau đó gọi tên cầm đầu vụ âm mưu và nói: “Hỡi thằng hèn nhát, nếu mày dám chống lại tao, thì hãy theo tao mà cắn vào thanh củi này và thề kết hận với tao như tao thề kết hận với mày”. Bầu khí im lặng nặng nề bao trùm cả gian nhà mà trước đó náo động tiếng chuyện trò. Trong căn nhà rộng lớn đầy người này, người ta có thể nghe được tiếng ruồi bay qua. Không một người nào dám trả lời ông Hmur. Tên cầm đầu bị gọi đích danh thì run lên như lá cây trước gió, hắn rối rít xin lỗi và vụ việc kết thúc tại đó.
Phần chúng tôi, vì chưa rành tiếng Ba Na nên chúng tôi không hiểu chút nào màn kịch kỳ quái này. Nhưng hai ba năm sau, kẻ cầm đầu âm mưu đã trở lại Đạo, được lãnh nhận phép Rửa và trở nên một Kitô hữu sốt sắng. Lúc đó, nhớ lại tội ác mà mình đã suýt phạm, anh ta tức giận cho chính mình và để lương tâm thôi cắn rứt, anh đã đến sấp mình dưới chân Cha Combes. Anh ta biết sẽ làm cho Cha Combes ngạc nhiên và cũng biết rằng chúng tôi hoàn toàn mù tịt về mối nguy hiểm đến tính mạng mà chúng tôi may mắn thoát khỏi, tất cả là do lòng nham hiểm của anh ta, nhưng nay anh ta không thể im lặng được nữa. Anh kêu lên: “Con là kẻ khốn nạn! Thưa Cha, trước kia con đã muốn ám sát Cha. Nhưng nay, nếu ai muốn tấn công Cha thì con sẽ có mặt để bảo vệ Cha và chết vì Cha. Ai đụng đến Cha thì phải bước qua xác của con”. Và anh đã thuật lại mọi việc trên đây, cũng như những lời nói hùng hồn của ông Hmur mà lúc bấy giờ chúng tôi nghe tận tai, nhưng đã không hiểu gì cả.
(CÒN TIẾP)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét