150 NĂM PHỐ ÐẠO TÂY NGUYÊN
VŨ SINH HIÊN
Là Kontum đấy. Là "Làng-Bên-Hồ" đấy, bởi tiếng dân tộc, KON có nghĩa là làng (như Buôn, Plây) và TUM có nghĩa là hồ. Bà con dân tộc người ở Tây nguyên cũng gọi sông là hồ nước lớn. Con sông Dak Bla chảy về đến KonTum thì tình tứ ngoằn ngoèo, ôm trọn thị xã miền cao này như trong một hồ nước thơ mộng trên đỉnh Trường Sơn mà một mái dốc xuống Kampuchia, Hạ Lào nhập vào Mê Kông hùng vĩ, một mái xuôi về Ðất Việt đổ ra biển Ðông mênh mông. "Anh cứ xẻ rừng mà đi, khi gặp con sông lớn, dừng lại lập làng và rao giảng Tin Mừng", vị Giám Mục giáo phận Ðàng Trong, Thánh Stêphanô Cuénot Thể, nói như ra lệnh cho Thầy Phó Tế F.X. Nguyễn Do, Thầy Sáu Do, một hôm từ hầm trú ẩn Tòa Giám Mục Ðàng Trong ở Gò Thị, Bình Ðịnh.
Ðó là năm 1848.
Không phải đến thời điểm này, Giáo Hội mới nghĩ tới việc loan báo Tin Mừng cho Tây Nguyên. Ngay từ năm 1672, sau khi tháp tùng Giám Mục Lambert De La Motte kinh lý giáo phận Ðàng Trong, linh mục Giuse Trang, một trong hai vị linh mục Việt Nam đầu tiên của Ðàng Trong (vị kia là cha Luca Bền, cả hai được đức cha Lambert phong chức tại Juthia, Thái Lan), đã được chỉ định đảm nhận địa sở Nước Mặn tỉnh Bình Ðịnh, ngài đã nghĩ ngay đến việc truyền giáo lên vùng cao phía tây tỉnh này. Chỉ tiếc rằng vị linh mục người Việt tiên khởi ấy đã mệt một quá sớm vì bệnh sốt rét, năm 1676, vào lúc tuồi đời chưa tròn 36 tuổi. Chỉ trên 4 năm sau cái chết của vị linh mục Việt Nam đầy nhiệt huyết, 1680, cha Courtaulin, rồi năm sau đó, 1681, các cha Vachet và Le Noir, tất cả đều thuộc Hội Thừa Sai Paris, đã tìm đường lên Tây Nguyên qua ngã Quảng Ngãi. Mọi cố gắng này đều thất bại. Cũng dễ hiểu thôi, khó klhăn chồng chất: "Ở đây phải đi chân đất, thường xuyên đỉa và kiến càng cắn. Bơi lội qua sông, khi gần đến các làng, luôn cảnh giác lo sợ đạp phải những mũi chông độc cắm trên mặt đất. Kế đến là những cơn sốt rét, những tin đồn vu khống và ve vãn quyến rũ, những lần trở trời trở gió, những âm mưu được tính toán trong bóng tối. Tắt một lời, mọi điều đều gây khổ hoặc thất bại". (Thư của Ðức cha Cuénot Thể gửi Hồng Y Matthêu ngày 11-02-1852).
Phải đợi trên 150 năm sau đó, dưới thời của vị giám mục thứ 16 của Giáo Phận Ðàng Trong, Thánh Stêphanô Cuénot Thể, công việc truyền giáo cho Tây Nguyên mới được xúc tiến tích cực. Thật là lạ lùng, công việc của vị giám mục này với nhiệm kỳ kéo dài 26 năm mà phần lớn thời gian đều ở dưới hầm hoặc trốn chạy nay đây mai đó, vậy mà tầm nhìn của ngài đã phóng xa lên miền cao núi rừng âm u huyền bí. Thời bấy giờ, Tây Nguyên và Ðồng Bằng được coi như hai lãnh thổ, có những cửa khẩu bất thành văn mà người Kinh người Thượng dùng làm nơi trao đổi hàng hóa, các thương lái không dám vượt qua ranh giới vô hình này, nếu không muốn lãnh lấy những tai họa khôn lường, thường khi là cái chết. Thoạt đầu là một giáo dân, ông Cả Ninh, năm 1839, được đức cha Cuénot sai lên Tây Nguyên qua ngả Cam Lộ, Quảng Trị. Không thành! Ba năm sau 1842, đức cha lại sai một giáo dân, ông Cả Quới hướng dẫn một đoàn truyền giáo gồm các cha Duclos và Miche (MEP), 11 thầy giảng và 3 giáo dân nữa lên Cheo Reo qua ngả Thạch Thành, Phú Yên. Ðoàn truyền giáo đã bị các lái buôn chận bắt và nộp cho triều đình. Bốn năm sau, hai linh mục người Việt là các cha Vận và cha Hòa cũng xuất phát từ Phú Yên nhưng vòng xuống phía Nam Tây Nguyên, vào tận Bản Ðôn gần Buôn Ma Thuột, nhưng cũng trụ tại đây được một thời gian ngắn. Trong lúc đó, vị giám mục có tầm nhìn xa về mục vụ vẫn thiết tha với mộng ước ấp ủ từ những ngày đầu đảm trách giáo phận Ðàng Trong (1835): "Một trong những nguyện vọng thiết tha nhất của tôi là mở một con đường cho Tin Mừng đến tận sông Lớn ở Lào. Mặc dù đã 20 lần thất bại, mới đây tôi đã thử một lần nữa. Vô phúc thay, lần này cũng không hơn gì lần trước". (Thư của đức cha Cuénot gửi Ban Tư Vấn Thánh Bộ Ðức Tin ngày 190-11-1839).
Ý định này của đức cha lại càng khẩn thiết khi mà tình hình cấm đạo ở miền đồng bằng mỗi ngày mỗi gay gắt hơn. Vua Tự Ðức lên ngôi, bị bao vây bởi các quần thần nho sĩ vốn chỉ quen với kinh điển Trung Hoa, bỏ ngoài tai những đề nghị cải cách của các đại thần sáng suốt như Phan Thanh Giản, Phạm Phú Thứ và của những công dân từng du học ở nước ngoài như Nguyễn Trường Tộ, linh mục Ðặng Ðức tuấn,... Nhà vua ban hành hàng loạt các đạo dụ cấm truyền bá đạo Công Giáo. Nhu cầu thành lập một nơi an toàn cho con cái của Hội Thánh lại càng khẩn thiết hơn lúc nào hết. Trong suốt thời kỳ Hội Thánh bị bách hại dài đằng đẵng, thì Juthia, rồi Penang đã là nơi an toàn cho toàn vùng Ðông Á, Gò Thị, Cái Nhum đã là những nơi an toàn cho Giáo Phận Ðàng Trong. Nay thì Tây Nguyên sẽ phải là đất lành cho Hội Thánh tại Việt Nam. Ngày 15-04-1847, tầu chiến của hải quân Pháp do phó đô đốc Rigault De Genouilly đã bắn vào cảng Ðà Nẵng. Tình thế sẽ vô cùng bi đát cho Hội Thánh.
Mà kể cũng lạ. Bên Thái Lan, hoàng cung trải chiếu cạp điều đón các thừa sai ngoại quốc, nhà vua mời các ngài vào đàm đạo thân mật, dành cho các ngài mọi dễ dàng để thành lập Trung Tâm Truyền Giáo, Chủng Viện Thánh Giuse, nhà vua còn có ý định mời đức cha Lambet De La Motte cầm đầu một phái đoàn thay mặt nhà vua sang Pháp thăm xã giao vua Louis XIV. Thái Lan, đất Phật, bao dung vậy đấy. Nhưng rồi Ðạo Chúa chỉ phát triển chậm chạp ở quê hương của chùa chiền và sư sãi này. Còn ở đây, ngay từ đầu, tổ tiên chúng ta đã phải long đong lận đận, máu đổ triền miên hàng trăm năm, vậy mà... Hôm nay, chỉ riêng giáo phận Kontum: 170.000 giáo dân Kinh Thượng, 247 nữ tu, 31 linh mục. Sực nhớ lại lời Thầy Chí Thánh: "Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi thì nó vẫn trơ trọi một mình, còn nếu chết đi nó mới sinh được nhiều hạt khác" (Ga 12, 24).
Không thể sớm hơn được, phải có một thời điểm, phải có một tấm lòng, một bàn tay, một đôi chân, như là tiền định. Sau 9 năm theo học tại Penang, thầy F.X. Nguyễn Do về lại quê nhà, vào trình diện đức giám mục. Quê ở Ðồng Hâu, huyện Hoài Ân, một huyện miền cao của tỉnh Bình Ðịnh, cũng là một cửa ngõ giao thương giữa hai miền Kinh-Thượng, chắc hẳn chàng thanh niên Nguyễn Do cũng đã từng quen mắt với vóc dáng của những người anh em dân tộc xuống núi, với hình ảnh những thương lái người Kinh lên đây mua bán trao đổi hàng hóa. Ðây đúng là nhân vật tiền định, đúng là người mà đức giám mục đang kỳ vọng cho chuyến đi khai phá. "Vâng, con sẽ giả làm lái buôn, học tiếng Thượng, len lỏi tìm đường và...", thầy Sáu Do hào hứng phác họa kế hoạch, đơn giản mà thành thạo. Nhưng thầy đã không xuất phát từ quê nhà của thầy. Thầy khăn gói lên đường đi An Khê, vùng đất đã từng được anh em nhà Tây Sơn dùng làm nơi dấy binh, qui tụ quần hào và dựng cờ khởi nghĩa. Sử sách kể rằng ông tổ của nhà Tây Sơn vốn họ Hồ, quê Nghệ An, bị chúa nguyễn bắt vào định cư ở vùng An Khê này khi nhà chúa đem quân ra chinh phục Ðàng Ngoài vào các năm 1653-1657. Họ Hồ đã đổi thành họ Nguyễn và làm nghề buôn trâu ở miền ranh giới Kinh-Thượng này, hẳn đã có nhiều giao dịch với người Tây Nguyên. Năm 1771, Nguyễn Nhạc làm biện lại thu thuế trong vùng, đã nướng sạch tiền thuế thu được trên chiếu bạc, rồi cùng hai em là Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ lên vùng núi Thượng đạo, ấp Tây Sơn dựng trại lập đồn, chiêu mộ quần hào trong đó có cả các buôn làng thiểu số. Hôm nay còn đây đền Tây Sơn Thượng đạo mà hàng năm vào ngày mồng 5 tháng Giêng âm lịch tưng bừng cờ xí, đồng bào mừng chiến thắng Ðống Ða của vua Quang Trung-Nguyễn Huệ, linh đình rước sách xuống đền Tây Sơn Hạ ở Phú Phong. Ở một chỗ nào đó trong ấp Tây Sơn Thượng là nhà ông Quyền, một thương lái giầu có hồi đó mà thầy Sáu Do đã làm công trong 6 tháng, thời gian đủ để dò la đường đi nước bước và học ngôn ngữ của người Tây Nguyên, trong các lần theo ông chủ gánh hàng lên vùng cao. "Cửa khẩu!" An Khê này hẳn đã một thời rộn rịp qua lại, bởi sau đó người Pháp lập đồn kiểm soát ở đây. "Chợ Ðồn" còn đó, địa danh gắn liền với cái bót Tây hồi ấy.
Thầy Sáu Do lập một đoàn buôn riêng của Thầy, nhưng không qua ngả sầm uất này. Thầy chọn con đường gian khổ hơn, nhưng an toàn hơn, bởi là đường riêng của thầy, do thầy tự vạch ra để tránh các cuộc đụng đầu với các lái buôn khác. Xuất phát từ Gò Thị, đi thuyền trên sông Côn đến một nơi giáp ranh Bình Ðịnh-An Khê, cách An Khê khoảng 10 cây số về hướng Bắc gọi là Bến thì buộc phải lên bờ, trước mặt sừng sững hai quả núi, Hòn Lớn và Hòn Nhỏ. Giữa hai quả núi này là đường Dốc Ván, lội bộ theo con đường này để tới Trạm Gò, trạm giao liên đầu mối của đường truyền giáo. Một giáo dân được thầy Sáu Do bố trí "nằm vùng" ở đây, hành nghề chẩn mạch và bốc thuốc Bắc, rất mát tay nên được đồng bào trong vùng quí mến. Ðiểm giao liên này trong nhiều năm đã là nơi dừng chân của các thừa sai, linh mục và giáo dân, trước khi vượt sông Ba và tiến sâu vào rừng núi Tây Nguyên theo hướng tây bắc. Trạm Gò bị phá hủy thời Văn Thân, 1885. Văn Thân nói riêng, người Kinh nói chung đều đã dừng lại ở An Khê, ở Trạm Gò. Trước thầy Sáu Do, chưa người Kinh nào bước qua Cổng Trời "Mang Yang" (con đèo nằm trên đèo An Khê, có nghĩa là cổng Trời). Tây Nguyên vẫn là lãnh thổ riêng biệt và huyền bí của người Tây Nguyên. Vào một buổi chiều mưa, trên chiếc xe 12 chỗ, vượt quãng đường đất đầy ổ voi lầy lội trên 10 cây số từ An Khê lên, người viết và các thân hữu đứng giữa Trạm Gò hôm nay lác đác nhà cửa mái tranh mái ngói, có cả tiếng Honda thỉnh thoảng vọt ngang, nhưng xưa kia, 150 năm trước, bạt ngàn rừng rú cây cao rậm rạp. chúng tôi lặng người bàng hoàng khi nghĩ tới những bước chân của thầy Sáu Do, của các thừa sai, tại chỗ này, một thế kỷ rưỡi trước đây, đầy cọp beo và chướng khí. Ðưa camera lên lia vội vài thước phim rồi gọi nhau lên xe mau chóng ra quốc lộ 19, bởi chỉ cần một nhân viên xã đi qua, hỏi han đôi điều, mời về ấp về xã làm việc, phiền chết được.
Vượt sông Ba, thực sự là núi rừng Tây Nguyên rồi đấy. "Thần Khí Chúa ngự trên tôi, sai tôi đi loan báo Tin Mừng..." phải sắt đá và tin rằng trước lúc con người tra tay vào việc thì Thánh Thần đã dọn đường từ lâu. Ðừng ảo tưởng về tài năng của phận người mỏng dòn. Hai chuyến đi, 1849, 1850, hai lần thất bại. Lần đầu bỏ của chạy lấy người. Lần sau bị voi đuổi, chạy thục mạng về Gò Thị, được "nghỉ phép" 15 ngày cho hoàn hồn rồi lại lên đường. Người dẫn đường vẫn đặt trọn niềm tin vào Chúa. Một lần đạp phải chông ngày 01-01-1851, nmgọn tre vót nhọn đâm thủng lòng bàn chân. thầy Sáu do đã la lên "Laudate Dominum omnes gentes" (Hỡi muôn dân, hãy ca tụng Chúa). Co1 khùng không đây? Bởi nếu ở trong trường hợp này, người viết sẽ la lên cho quên đau hoặc sẽ văng ra vài tiếng "Ðan Mạch" cho hả giận. Ấy vậy mà thầy Do đã phản ứng như thế đó. Trên đường đi, rải rác các buôn làng: Baham, Bơlu, Konphar, Kon Kơlang rồi Kon Kơxâm, Kon Rơbang... lúc nào cũng phải nhỏ nhẹ, hiền hòa. "Có Chúa đi với tôi..." đúng vậy, Thánh Thần đã dọn đường rồi thì phải. Hàng loạt các già làng đưa tay đỡ đần: Ông Baham, ông Lập, ông Bliu, nhưng ngán nhất vẫn là ông Kiơm ở Konphar. Ông lực lưỡng khỏe mạnh, được "vua An nam" được vua tin cẩn đặt làm đại diện ở Tây Nguyên và chỉ thị giao nộp các đạo trưởng bén mảng tới vùng này. Từ Gò thị, đức cha Cuénot cũng đã nghe nói nhiều về vị già làng số một của Tây Nguyên và căn dặn thầy Sáu Do bằng mọi cách tránh gặp ông Kiơm mà mọi người đều kính cẩn gọi là "Bok" Kiơm 9các linh mục ngày nay cũng được gọi trân trọng là Bok). "Tôi là Bok Kiơm đây", thầy Sáu Do và mọi người như chết đứng khi vừa vào làng Konphar và giáp mặt lần đầu "hung thần" chưa hề biết chân dung. Nhưng lạ thay, ông tỏ ra hiền hòa độ lượng, ông đề nghị được kết nghĩa anh em với thầy Do và gọi hai từa sai Combes (cha Bê) và Fontaine (Khâm) là Bố. Từ đó, đoàn truyền giáo tiên khởi được Bok Kiơm che chở đùm bọc, tìm mua giúp lương thực thực phẩm, vờ vĩnh dẫn quan quân triều đình quanh co trong rừng rậm cho tới mệt lử phải bỏ cuộc mà không hề chỉ chỗ ở của những người vừa kết nghĩa anh em. Tin vui bay về Gò Thị, thầy Thám, em ruột thầy Do, nhập cuộc hướng dẫn các thừa sai Desgouts (cha Ðệ) và Dourisboure (cha Ân) cùng với 15 giáo dân ngày 11-11-1850 lên Tây nguyên, theo đường mòn của ông anh Sáu Do.
Từ ấy... những giáo điểm đầu tiên: Kon Kơxâm ở phía đông cử ngõ vào đồng bằng Kontum với Cha bề trên Combes, Kontrang ở phía bắc với cha Dourisboure, Plei Chư ở hướng tây của sắc tộc Jarai với cha Fontaine, ở giữa "Tam giác xanh" này là Plei Rơhai với thầy Sáu Do và cha Desgouts, sau này là Trại Lý là Gò Mít, là giáo xứ Tân Hương ngày nay.
Từ ấy... những tín hữu đầu tiên: Giuse Ngui, Gioan Pat. ông Hmur rồi cả gia đình ông (1853).
Từ ấy... chữ viết chi sắc tộc Bahnar, Sedang và Jarai được các vị thừa sai sáng tạo dần dần theo mẫutự la tinh, công việc mà trước đây cha Ðắc Lộ đã làm với ngôn ngữ dân tộc Kinh. Ở cao nguyên Laang Biang, truyện truyền khẩu của sắc tộc Lát kể rằng các sắc tộc ở vùng cao vốn xưa kia cũng đã có chữ viết đấy chứ. Nhưng trong khi người Kinh viết chữ trên đá, trên gỗ thì sắc tộc thiểu số lại viết chữ trên da trâu, rồi đem phơi ở lan can nhà sàn, đêm về, ông ba mươi đi qua, ngửi thấy mùi thịt, ông đã xơi tái chữ nghĩa của các sắc tộc vào bụng. Thế là hết.
Từ ấy... sau khi lãnh nhận sứ vụ linh mục, cha Do bắt đầu công việc "khẩn hoang lập ấp" tại Plei Rơhai, tức Gò Mít, tức Tân Hương, nằm trên đường Nguyễn Huệ, thị xã Kontum ngày nay, cạnh con sông Dak Bla, như dự đoán của đức cha Cuénot. Các thừa sai khác lần lượt triển khai kế hoạch của cha Nguyễn Do tại các vùng trách nhiệm của các ngài, giữa lúc ở đồng bằng, cơn bắt đạo mỗi ngày mỗi tàn khốc.
Từ ấy... đến lúc thành lập giáo phận theo sắc chỉ của Ðức Thánh Cha Pio XI năm 1933, giáo phận Tây Nguyên đã có 24.525 giáo dân trong đó có 5.533 giáo dân Kinh, 18.992 giáo dân Thượng, 13 linh mục ngoại quốc, 12 linh mục việt Nam, 3 linh mục Bahnar, 13 giáo xứ, 171 giáo họ, 121 nhà thờ, nhà nguyện...
Từ ấy... các dòng tu nhập cuộc và thượng sơn. Rất sớm là Dòng Mến Thánh Giá Gò Thị (1850), là việc thành lập trường Thầy Giảng gồm các thanh niên dân tộc, trường Giáo Phu Cuénot (1808). Rồi lần lượt là Dòng Nữ Tử Bác Ái Vincent De Paul (1937), thành lập Dòng Ảnh Phép Lạ dành riêng cho các thiếu nữ người dân tộc (1947), Dòng Sư Huynh Lasan (1956), Dòng Thánh Phaolô Thành Chartres (1957), Dòng đức Mẹ Vô Nhiễm Phú Xuân (1969), Dòng Chúa Cứu Thế (1969), Dòng Chúa Quan Phòng (1970) và Dòng Tiểu Ðệ (1973). Mỗi dòng tu gia nhập vườn nho Kontum mỗi cách, duy trường hợp Dòng Chúa Cứu Thế quả là đáng nhớ. Chiều hôm ấy, 10-10-1969, 4 tu sĩ của Dòng lái chiếc xe Jeep lăn theo chiếc xe con cóc của đức giám mục Paul Seits Kim, đến một nơi mà sau đó các vị mới được biết tên là Pleikly. Ðức giám mục rút trong túi ra cuốn Kinh Thánh, đọc đoạn Tin Mừng Luca về việc chúa sai 72 môn đồ đi giảng đạo, đọc xong, ngài lên xe về Kontum, cách đó khoảng 100 cây số. Lúc ấy là 4 giờ chiều, 4 tu sĩ ngơ ngác nhìn nhau giữa núi rừng hoang dã và xa lạ. Các anh được một người dân tộc ở gần đó sẵn lòng cho tá túc trong căn chòi của gia đình anh, giữa lúc đang dọn đồ đạc từ trên xe xuống thì chị vợ hớt hải từ rẫy chạy về, xua tay tỏ vẻ không đồng ý, chỉ vì con chị đang bị bệnh, và theo phong tục, không "cho khách đỗ nhà" khi gia đình có người đau ốm. May thay, lúc ấy ông xã trưởng tới, chỉ cho một ngôi trường tiểu học có lẽ đã bỏ hoang lâu ngày, bởi gian đầu đang được dùng để nuôi dê. Các vị thừa sai được chỉ định cư ngụ trong cái căn chuồng dê ấy, quét dọn xong thì trời đã tối. Cư ngụ trong căn chuồng dê này hai tháng, Giáng Sinh 1969, Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam đã có tu viện mới trên Tây Nguyên: Một căn nhà lá khá tươm tất. "Ơi" Tài ơi! Bok Tín ơi, thầy Quân ơi, sẽ chẳng bao giờ quên được cái thuở ban đầu gian khổ ấy nhỉ. Ở Playhuơt, lớn bé già trẻ đều gọi cha Vương Ðình Tài là "Ơi", nghĩa là "Ông" như ông nội, ông ngoại. Thế rồi suốt 20 năm trời, anh Nguyễn Văn Thượng, chính xứ Tiên Sơn ví von là Dòng Chúa Cứu Thế chỉ... mò cua bắt ốc, bởi số tân tòng lác đác như lá mùa thu. Bỗng kể từ sau ngày 117 vị tử đạo được phong hiển thánh, 19-06-1988, số người xin nhập Ðạo tăng nhanh, có nơi cả buôn làng xin tòng giáo. Dĩ nhiên, tiến trình học hỏi không thể hời hợt qua loa, 30 linh mục của giáo phận quần quật ngày đêm, bởi mỗi vị đều phụ trách nhiều giáo xứ cách xa nhau vài chục cây số. Các cha Dòng Chúa Cứu Thế Tài, Tín, Phán mỗi vị đều đảm nhận khoảng 100 làng, có làng mươi mười lăm giáo dân, có làng cả trăm tín hữu. Mà vẫn còn những vùng sâu, vùng xa khó tới được, không tới được cha con đành phải hẹn nhau dưới một gốc cây, gần một con suối, vẫn còn tươm tất hơn đồi Golgotta thuở nào. Liều mà đi xa hơn, chẳng lành đấy. Có mấy linh mục dám về Kon Plong, Dak Tô, Dak Hà, Sa Thày, Ngọc Hồi, Dak Len... đâu cơ chứ. Ðành phải phó mặc đàn chiên cho các chú giáo phụ, các dì phước trong dáng vẻ quê mùa và cho... Chúa Thánh Thần. Biết làm sao. Nhưng có lạ lùng gì đâu bởi vì 137 năm về trước, năm 1861, đức cha Cuénot Thể từ Gò Thị sang Gò Bồi dâng lễ, bị bắt, chết rũ tù, còn bị quật mồ buông xác trôi sông. Phải chi ngài cứ ở yên dưới căn hầm trú ẩn tại Gò Thị, sau nhà là đầm Thị Nại, một con đường nối liền "Tòa Giám Mục" Ðàng Trong với nhà riêng ông trùm họ Anrê Nguyễn Kim Thông. Mỗi khi binh lính triều đình về làng, ông trùm mau mắn báo tin cho vị giám mục kính yêu, ngài rời khỏi hầm xuống thuyền ra đầm Thị Nại. Trò ú tim này kéo dài đã suốt 26 năm nhiệm kỳ giám mục của thánh Cuénot. Còn cụ trùm Thông, cụ là một công dân gương mẫu, bởi vua Tự Ðức đã phong cụ là "Cần Nông", tấm bia mộ còn đây: "Cần Nông Nguyễn Kim Thông chi mộ" (1790-1855). Ấy vậy mà chỉ vì là tín hữi công giáo không chịu quá khóa, cụ bị kết án lưu đày vào Ðịnh Tường, vai đeo gông, tay mang xiềng, cụ đi bộ một năm sáu tháng đến Mỹ Tho và trút hơi thở tại đây. Khi qua Bình Thuận, con trai của cụ, linh mục Nguyễn Kim Thủ đã đón cụ và kín đáo giải tội cho cụ, cho cụ rước lễ. Con cái và bà con giáo dân đề nghị chung tiền để xin giảm án cho cụ, cụ nghiêm mặt quở trách rồi lại xiềng xích lên đường, để được chết... vì Ðức Kitô.
Linh mục Nguyễn Kim Thủ cũng bị bắt không lâu sau đó. Ông bị kết án tử hình nhưng liền sau đó có sắc lệnh tha đạo *) của vua Tự Ðức. Trong tù, vị linh mục tử tù buồn bã bởi ông mất cơ hội đổ máu vì Ðạo. Nhưng tiếp theo đó là lệnh thi hành các bản án đã được tuyên án trước ngày có sắc lệnh tha đạo. Cha Thủ mừng rỡ chờ ngày làm chứng nhân cho Ðức Kitô. Hôm ra pháp trường, ông mặc phẩm phục của linh mục khi lên bàn Thánh dâng lễ, theo sau là giáo đoàn của ngài hát vang... trong nước mắt hân hoan. Trời! cha Thủ ơi, anh hùng và hoành tráng vậy sao? Theo chỗ con hiểu thì khi tổ phụ Abraham vung lưỡi dao trên đứa con duy nhất là Isaac, lòng ngài đã buồn rười rượi, chỉ vì phải vâng lệnh Yave. Thánh lễ hôm ấy, cha đã dâng bằng chính máu thịt của cha, cha "hân hoan bước lên bàn thờ Chúa". Gò Thị, đất nguồn, khởi nguyên của Tây Nguyên, là thế đó.
Từ ấy... hình thành phố đạo Kontum, mà công đầu là của những người giáo dân can trường, của những người Việt Nam bình dị. Con sông Dak Bla chảy từ hướng bắc xuống, ôm gọn bình nguyên Kontum rồi vòng sang hướng tây, nhập vào sông Pôcô thành sông Sésan và hòa vào Mékong hùng vĩ của hạ Lào. Ở giữa bình nguyên này là Tòa Giám Mục, chủng viện, giáo xứ Tân Hương, nhà thờ Phương Nghĩa, trường Cuénot, dường Bok Do, đường Bok Kiơm... Rải rác vòng trong vòng ngoài là hàng loạt thánh đường và các cơ sở xã hội vốn là của Giáo Hội Công Giáo: Bệnh viện Minh Quý, Vườn Trẻ Kim Sơn, Bệnh Viện của Dòng Bác Ái Vinh Sơn, trường Lê Hữu Từ, trường Têrêxa, nhà thờ Thomas Thiện nay là Trường Mẫu Giáo Bán Trú Quyết Thắng. Tận cùng hướng tây là giáo xứ Kon Rơbang, giáo xứ Phương Quí v.v... Phố đạo này nên được coi là phố cổ của Kontum, bởi Kontum hiện nay đang được phát triển theo hướng bắc, dọc theo quốc lộ 14 tức là đại lộ Phan Ðình Phùng.
Phố đạo Kontum đã như một dấu ấn đóng lên Tây Nguyên, dựng lều giữa anh em nhiều sắc tộc khác nhau, níu anh em lại trong cộng đồng Việt để cùng chia sẻ một giang sơn gấm vóc. Cái xương sống của Ðông Á này với trăm ngàn đường "thượng đạo" len lỏi giữa núi rừng, có thể dẫn lên Hoa Nam, dẫn vào Gia Ðịnh, đã từng bị nhiều án mắt để ý nhòm ngó thèm thuồng. Từ thế kỷ 12, 13, vương quốc Chàm đã từng đặt chân lên đây, rải rác ở Yaunpa còn những ngọn tháp như chúng ta thường gặp ở miền Trung. Ngữ hệ Jarai, Rađê cũng như Raclay ở Bình Thuận đều thuộc dòng quần đảo Nam Á Mã Lai-Polynésie, còn rất nhiều từ hiện nay giống ngôn ngử Chăm. Phải chăng đã có thời các sắc tộc này giao thương với nhau, hiểu được tiếng nói của nhau, cũng như hiện nay người Racly ở Bình Thuận có thể chuyện trò được với người Rai ở Philippine. Rồi thực dân Anh sau khi chiếm đóng Ấn Ðộ, Miến Ðiện, đã thôn tính Thái Lan, tràn sang Hạ Lào về tận Bản Ðôn bên giòng sông Sêrêpok, cũng đã muốn chiếm vùng cao nguyên này để lên Hoa Nam. Với thực dân Pháp thì ý đồ thôn tính Tây Nguyên càng lộ liễu hơn, mà cố gắng cuối cùng đầy tuyệt vọng là việc thành lập Hoàng Triều Cương Thổ với dụ số 16 của Quốc Trưởng Bảo Ðại ký ngày 21-05-1951 "ấn định một qui chế đặc biệt cho dân cư khác dòng giống Việt Nam sinh sống tại các miền và các tỉnh gọi là Hoàng Triều Cương Thổ miền Nam". Chỉ 4 năm sau, ngày 11-03-1955, thủ tướng Ngô Ðình Diệm ban hành dụ số 21 "sát nhập các vùng cao nguyên miền Bắc và miền Nam thuộc Hoàng Triều Cương Thổ vào lãnh thổ Quốc Gia Việt Nam, và đặt hoàn toàn thuộc quyền quản trị của chính phủ quốc gia". Mặc cho những tranh chấp của các thế lưc chính trị, ở Tây Nguyên, đã có một cộng đồng Kinh-Thượng chan hòa, chấp nhận nhau là anh em trong cùng một gia đình, không ai có thể ép uổng hoặc mê hoặc được để tách rời họ xa nhau. Công đầu này phải là của thầy Sáu Do, của quí ông Cả Ninh, Cả Quới, của những cư dân khố rách áo ôm từ Quảng Ngãi, Bình Ðịnh theo thầy Sáu lên đây, của các thừa sai Pháp-Việt bất chấp gian khổ, kính thưa quí vị, hậu sinh chúng con mang ơn quí vị nhiều lắm.
Phải đợi đến nửa thế kỷ sau, năm 1893, Bác sĩ Yersin mới đi thám hiểm lần đầu cao nguyên Lang Biang. Trước đó, năm 1888, một chàng thực dân "điên" tên De Mareyna cầm đầu một đoàn thám hiểm người Pháp lên Kontum, đã bị bình nguyên này với con sông Dak Bla mê hoặc, đã vội vã xưng hùng xưng bá, tự nhận là "Marie Ðệ Nhất" và đòi trị vì Tây Nguyên như một vương quốc riêng. Cuộc phiêu lưu của chàng chẳng thọ được lâu dài. Lần lượt các "Phố Ðời" hình thành: Ðàlạt, Sapa, Bà Nà, Bạch Mã,... vốn được thiên nhiên ưu đãi về khí hậu, về cảnh quan, về thổ nhưỡng, các biệt thự được xây dựng để phục vụ các quan trong các kỳ nghỉ, thay vì về tận mẫu quốc xa xôi tốn kém, trước sự ngỡ ngàng lo âu của người vùng cao, lại xa dần, lùi dần vào rừng rậm. Có lẽ các phố đời này đã được khai phá và xây dựng bằng súng mousqueton, bằng cu li khuân vác. Các quan lên rừng và xuống biển: 1898, Bạch Dinh (villa Blanche) được xây dựng ở Cap Saint Jacques (Vũng Tàu) để toàn quyền Ðông Dương nghỉ mát và tắm nắng.
Phố đạo Kontum hôm nay còn y nguyên các cơ sở tôn giáo và xã hội, có đổi thay chăng tên gọi. Trường học do các sư huynh Lasan điều khiển trước đây tọa lạc tại số 58 đường Trần Hưng Ðạo, nay là Trường Sư Phạm Thực Hành. Trường Lê Hữu Từ đối diện với nhà thờ Phương Nghĩa nay là trường Phổ Thông Trung Học Cơ Sở Trần Hưng Ðạo. Vườn trẻ Kim Sơn do đức giám mục Paul Seitz Kim thành lập, nay là Trung Tâm Bảo Trợ Xã Hội trực thuộc Sở Lao Ðộng và Thương Binh. Cư xá trước đây được dành cho các thiếu nữ dân tộc nay là Trung Tâm Kỹ Thuật Tổng Hợp Hướng Nghiệp Dạy Nghề. Trường Cuénot bề thế trước đây được dùng để đào tạo các chú giáo phu (thầy giảng) người dân tộc thì nay được dùng làm Trường Cao Ðẳng Sư Phạm. Trường Têrêxa của các sơ Dòng Thánh Phaolô tọa lạc tại số 4 đường Trần Phú nay được đổi thành Trường Phổ Thông Trung Học Kontum, tu viện của các dì nay chỉ là dẫy nhà khiêm nhượng nép bên cạnh ngôi trường. Ngôi nhà thờ của Tuyên Úy Công Giáo, thường được nôm na gọi là nhà thờ cha Công, tại đường Phan Ðình Phùng, nay là Trường Mẫu Giáo Bán Trú Quyết Thắng. Ngay cả nghĩa địa của nhà chung vốn được gọi là Mả Thánh, cũng được dời đi nơi khác để lấy đất xây dựng Trường Mầm Non Thống Nhất. Các con đường Bok Do, Bok Kiơm nay cũng đã được mang tên mới. Ðại để Phố Ðạo hôm nay là vậy.
Rồi đây Tây Nguyên nói chung, Phố Ðạo Kontum nói riêng sẽ được "nối mạng" với bốn phương. Người Tây Nguyên sẽ không còn nối gót nhau gùi lên nương lên rẫy tìm củ khoai củ mì, nhưng phải được nâng đỡ để có được cuộc sống ấm no và hạnh phúc. Nhịp theo những nổi trôi của lịch sử, các làn sóng người Kinh lên khai phá Tây Nguyên mỗi ngày mỗi đông. Con nhà có đạo hôm nay cũng đã lên tới 170.000 người, trong đó 80.000 là người các dân tộc Tây Nguyên.
Nhưng vẫn không quên được Gò Mít của thầy Sáu Do thuở xưa. Ðã 150 năm rồi đấy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét