Thứ Hai, 7 tháng 7, 2014

VỀ MỘT BÀI THƠ TẢ PHONG CẢNH PHỐ PHƯỜNG KONTUM THẬP NIÊN 1930




VỀ MỘT BÀI THƠ TẢ PHONG CẢNH 

PHỐ PHƯỜNG KONTUM THẬP NIÊN 1930


Kontumquehuongtoi xin giới thiệu một bài thơ tả phong cảnh phố phường Kontum vào thập niên 1930 của thế kỷ trước. Bài thơ in trong Tạp chí "Chức Dịch Thơ Tín", Địa phận Kontum, số 44, tháng 12.1936, tr.553-554, mà mình đã giới thiệu chung trong bài "Kontum, vần thơ Đạo ngày ấy" - Sưu tập thơ Công giáo Giáo phận Kontum thập niên 1930.
Mình thêm vào một số hình ảnh thật ngày xưa để bạn đọc hiểu rõ hơn.
Hai câu thơ trong bài làm mình trăn trở, suy nghĩ :

Bỗng nhiên trực nhớ đến mình,
Còn mang ơn nặng vô tình bấy lâu.
Bây giờ mời các bạn dạo một vòng phố phường Kontum cách đây hơn 80 năm về trước...

                                                                                                                 Minh Sơn

NHÌN PHONG CẢNH NHỚ NGƯỜI XƯA

Mắt nhìn phong cảnh Kontum,
Nhớ người thiên cổ bút cầm chép qua.
Tòa sứ Kontum

Kể từ lầu sứ tỉnh tòa,
Ngó lên thẳng rẳng cửa nhà liên miên.



Hình ảnh: Ngôi nhà này bây giờ (2013) vẫn còn. Các bạn biết ở đâu không?!
Cửa hàng ông Phán Giáp, đ. Ng.Huệ

Hết hai dẫy phố tiếp liền,
Xảy thấy một miền đồn lính vẻ vang.

Đồn lính khố xanh KT (khu vực ngã tư đ.Nguyễn Huệ-Trần Phú)

Từ đây đã hết nhà quan,
Tiếp luôn trên nữa là tràng Têxa.

Trường Thánh Têrêxa Kontum (tiền thân trường PTTH Kontum ngày nay)

Nhà thờ đẹp đẽ nguy nga,
Thánh danh bổn mạng Đức Bà Môi-khôi.

Hình ảnh: Nhà thờ Tân Hương, Kontum cuối năm 1969 đầu năm 1970. Trên tháp chuông còn Ngôi Sao Lạ của Lễ Noel (25/12/1969).
Nhà thờ Tân Hương

Gióng lên Phường-nghĩa một hồi,
Mắt trông đã thấy một ngôi thánh đường.



 
Nhà thờ Chính tòa-Gỗ

Toàn cây chắc đẹp phi thường,
Bên kia lại có vừng hồng vẻo ve.
Hiệu là trường thánh Giu-se,
Ngó quanh qua phía hàng tre kia đàng,
Đức Cha đã lập một tràng,
Trong ngoài đẹp đẽ vẻ vang quá chừng.

Trường Kuênot (Cao đẳng Sư phạm ngày nay)

Bây giờ xây lại sau lưng,
Ngay ra đàng cái nhắm chừng xa xa,
Mắt trông lại thấy một tòa,
Nguy nga tráng lệ gọi là “Torium”.
Chủng viện Thừa sai Kontum

Trường nầy lớn nhứt Kontum,
Đã cao lại rộng lẫy lừng minh mông.
Cố Lui (Louison) cũng lập vườn bông,
Kế luôn phía dưới giữa đồng ngã ba,
Thường kêu hang đá Đức Bà,
Để cho ai nấy đến mà khẩn xin.

Hang Đá Đức Mẹ Phương Nghĩa


Tự lòng kính mến cậy tin,
Ốm đau tật bịnh an tuyên hằng hà.
Ấy là vắn tắt đơn sơ,
Những nơi lễ tế phượng thờ mà thôi,
Không sao cho hết các nơi,
Kẻo ra dài quá lạc lời đề trên.
Vậy nay muôn việc đều nên,
Láng tràn nước Chúa khắp trên miền này.
Đầu giây mối nhợ ai gầy,
Đem đàng chỉ lối ở đây bây giờ.
Xưa kia vốn những bụi bờ,
Rừng cao núi rậm mịt mờ liên liên.
Ấy nhờ các đấng chăn chiên,
Dâng mình tế lễ cho miền mọi cao.
Đã tìm lên xứ Trà Ngao,
Những hồi chưa có đàng vào nẻo ra.
Thương thay cho bấy các Cha,
Vì con chiên lạc đàng xa chẳng nài,
Giày sàn đạp sỏi chông gai,
Miễn sao cho đặng truyền lời Evan.
Đành lòng cam chịu gian nan,
Đem người ngoại giáo hiệp ràn Hội-công.
Rày người giữ đạo rất đông,
Minh mông khắp xứ khôn cùng kể ra.

Chợ Kontum xưa

Hình ảnh: Cây xăng SHELL - Kontum 1970 đây! Cây xăng này mãi vài năm gần đây mới bị phá, hiện đang xây tòa nhà Ngân Hàng gì đó, cạnh Khách Sanh Dak Bla (đầu đường Nguyễn Huệ đoạn cầu Dak Bla rẽ phải).
Cây xăng Esso

Cầu - Đắk Bla -  Bridge (Photo by Dave Price - Summer / 1968)
Cầu Dak Bla

Phố phường Kontum

Chợ Kontum - đường Lê Thánh Tôn (Trần Hưng Đạo ngày nay).

Lâu đài phố xá nguy nga,
An cư lạc nghiệp, âu ta phải tường.
Nhớ ơn các đấng mở đường,
Nguyện cho hồn đặng miên trường tiêu diêu.
Nay vì thanh khí ban chiều,
Dạo chơi phường phố thấy nhiều cảnh xinh.
Bỗng nhiên trực nhớ đến mình,
Còn mang ơn nặng vô tình bấy lâu.
Vội vàng vắn tắt vài câu,
Hiến cùng độc giả giải sầu cho vui.
Gọi là gợi chút ơn xưa…

                                          Paul T. P. N.

                           (Trích "Kontum - Vần thơ Đạo ngày ấy...", 
                Sưu tập thơ ca Giáo phận Kontum thập niên 1930 - 
                                Lê Minh Sơn biên soạn, 04.2013).

Thứ Năm, 26 tháng 6, 2014

GỐC TÍCH CÂY CAFÉ SẺ XỨ KONTUM




GỐC TÍCH CÂY CAFÉ SẺ XỨ KONTUM


Theo nhiều tài liệu nghiên cứu, cây cà phê xuất hiện đầu tiên ở Việt Nam vào năm 1870 tại khuôn viên nhà thờ công giáo ở các tỉnh Bắc bộ và Bắc Trung bộ. Khi đến với Tây Nguyên, cây cà phê nhanh chóng trở thành mặt hàng đặc sản và được đầu tư thành cây chủ lực trong nông nghiệp, do thích hợp với thổ nhưỡng nơi đây. Tại phố núi Kontum, cà phê vẫn giữ nguyên những thế mạnh của mình với hai loại chủ yếu: cà phê Chè (Coffea Arabica), còn gọi cà phê sẻ, có giá trị kinh tế cao; và cà phê Vối (Coffea Canephora hoặc Coffea Robusta), còn gọi là cà phê trâu, là cây quan trọng thứ hai trong các loài cà phê. Đến đầu năm 2013, cả tỉnh Kontum có trên 11.500 héc-ta cà phê, riêng huyện Đăk Hà có gần 7.000 héc-ta (theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn năm 2012).
 Tuy chưa có thống kê cụ thể, nhưng có lẽ mật độ quán cà phê ở thành phố Kontum thuộc vào loại cao so với các tỉnh thành khác trong khu vực Tây Nguyên, nếu đem so sánh với tỷ lệ dân số. Và việc thưởng thức cà phê ngày nay đang dần dần được nâng lên thành nét “văn hóa cà phê”, chứ không chỉ đơn giản là “uống” thứ thức uống mà nhiều người yêu thích. Nhiều khách du lịch khi đến với thành phố Kontum đã rất đỗi ngạc nhiên: “Đi đâu cũng gặp quán cà phê!”. Và người dân Kontum đã yêu chuộng thứ thức uống này, họ thường có mặt đông đảo tại các quán cà phê, nhất là những ngày cuối tuần hay những dịp nghỉ lễ.
Có khi nào ngồi nhâm nhi bên ly cà phê đậm đà hương vị, bạn tự hỏi: thứ nước uống độc đáo này có tự bao giờ trên đất Kontum? Câu trả lời sẽ rất thú vị: Cây cà phê đầu tiên là cây cà phê sẻ đã có mặt trên Kontum trong khuôn viên của một nhà thờ, cùng thời gian với thời gian cây cà phê đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam; và hột cà phê hồi ấy được rang nấu uống…mà không có đường, với mục đích…ngăn ngừa bệnh sốt rét!...
Mời quý vị đọc bài viết sau đây, in trong Tạp chí “Chức dịch thơ tín” của Địa phận Kontum, số 30, tháng 10/1935, trang 355-357. Tác giả bài viết là Linh mục Phaolô Lê Đình Ban gốc Bình Định, lên Kontum năm 1914 ở tại Rơhai (nhà thờ Tân Hương ngày nay). Còn Cha Phêrô Nguyên đề cập trong bài, quê ngài ở Đồng Quả, Bồng Sơn, tỉnh Bình Định, thụ phong linh mục năm 1864, lên Kontum ở Rơhai năm 1867, phụ trách Dak Kấm và lập làng Dak Kiă; chính xứ Rơhai 1877-1891; qua đời tại Rơhai năm 1891.
Minh Sơn giới thiệu:

GỐC TÍCH CÂY CAFÉ SẺ XỨ KONTUM

Cây café sẻ tiếng tây kêu là moka hay là arabica, là thứ nhỏ hột và nhỏ lá. Chư vị có biết gốc tích tại sao mà cây café sẻ có tại xứ Kontum, ai đã đem lên mà trồng trước hết ở xứ này? Tôi xin thuật lại lời thầy Hộ, xưa là một chú giúp cha Do, đã theo người từ khi mở đạo xứ Kontum, thầy sống lâu, mới qua đời ít năm nay mà thôi.
Thầy kể rằng: bây giờ xứ Kontum có nhiều café và là thứ café có tiếng, là nhờ cha Nguyên đã đem lên mà trồng tại Rơhai trước hết. Cha Nguyên là một cha Annam, đã lên xứ mọi kế cha Do, người là học trò Pi-năng. Khi người còn học ở Pi-năng, người thấy cha giữ việc nhà trường, hễ thấy học trò nào hay đau rét, thì biểu đầu bếp làm café cho uống mỗi bữa sáng. Phần người cũng đã nhờ nhiều khi, mà người thấy trong mình, hễ có uống café thì hết rét và cách phấn chấn trong mình; nên người chíp trong bụng, sau về thì sẽ kiếm hột về trồng thử trong xứ mình. Vậy khi người học mãn trường mà sửa về, thì tới cha giữ việc, xin một mớ café hột: người lựa chọn lấy hột tốt, phơi phong khô ráo, rồi gói kỹ bỏ vào rương đem về.
Khi người về tới Annam, thì Đức Cha chỉ người lên mọi, vì người cũng là người xứ Đồng Quả, một quê với cha Do, nên Đức Cha định như vậy, theo lòng cha Do ước ao. Khi tới Rơhai, cha Nguyên sắp soạn đồ đạc, người đem ra một gói hạt gì, các chú không hiểu, xúm lại coi và hỏi người hột gì lạ vậy. Người trả lời đó là hột thuốc, cha đã kiếm ở Pi-năng đem về. Nó trị bịnh rét, người Annam ở xứ này hay rét, nên nếu như nó chịu đất, thì sau ta sẽ nhờ lắm, cha sẽ trồng thử. Nói đoạn, người bảo hai chú lớn đi với người, xách cuốc ra phía sau vườn. Người biểu dọn một chỗ đất im, mát, bỏ phân lạt tử tế, đoạn chính tay người ươm những hột café ấy. Cách ít lâu thì thấy mọc lên xinh tốt, người dạy bứng đem trồng xung quanh nhà vuôn. Cách vài năm thấy nó lớn lên xanh tốt, có lá sum sê, thì các chú thưa với cha: bây giờ cắt lá nó đem nấu uống như chè huế vậy hay sao. Người trả lời: không, cha thấy bên Pi-năng, rang hột nó, rồi xay ra bột nấu uống, chớ không uống lá. Tưởng nó sẽ có trái có hột, để coi. Mà thật sự, cách năm sau thì nó ra trái dóc díu, nên người lấy làm mừng mà nói rằng: đất này sẽ chịu café lắm, chắc sau người ta sẽ đặng nhờ. Đến khi trái chín, người dạy hái giả phơi khô, rang nấu uống và cũng gởi cho các cha uống thử; các cha cũng xin hột để trồng nữa. Song ngặt một đều, là ở xứ mọi hồi đó không có đường, nên uống lấy làm đắng lắm. Ấy là lời thầy Hộ già kể lại như vậy đó.
Lời thầy Hộ thuật lại tưởng cũng đáng tin, vì trong báo Missions Catholiques, cố chính Cảnh có kể lại những vật ẩm thực ở xứ mọi hồi ấy, người có nói rằng: “Bây giờ ở Rơhai chúng tôi có trồng những cây café moka còn tơ, xanh tốt, có lẽ phong thổ xứ này chịu café”. Ấy là lời cố chính viết trong sách. Bây giờ chúng ta có nhiều làng đã trồng café và cũng có nhiều chủ đã có lợi khá. Ta ăn trái, nên nhớ kẻ trồng cây.

Ít gốc cà phê còn sót lại trong khuôn viên
Nhà thờ Tân Hương năm 2013 (Ảnh: Minh Sơn chụp 01/2013)

Café vốn có nhiều thứ, song theo như những kẻ thạo dùng café, thì cho thứ café moka là ngon, dùng hay tiêu bổ hơn, song khốn nỗi, thứ café này kén đất lắm và hay bị con bò xè ăn, nên ít chỗ trồng được. Ngoài Tonkin và trong Nam Kỳ, có nhiều đồn điền trồng café, song gần hết là cây café lớn lá, trái to, nghe nói uống ít ngon. Còn thứ café sẻ ít trồng được, vì phong thổ không chịu; có nhiều sở đã thử rồi, song vô ích.
Các xứ mọi như Kontum, Pleiku, Banmêthuột, chỗ nào trồng café cũng được, song tưởng có chỗ hạp hơn, chỗ ít hạp. Tôi đã có ý xem xét café trồng ở ba xứ trên nầy, thì đoán được, chỗ đất đỏ và chỗ có cây im mát, thì café chịu hơn. Vốn café là một thứ cây ở rừng. Trong nhựt trình kia kể chuyện rằng: thuở xưa người ta chưa biết café là gì, song có lần kia, có một ngưởi Ả-Rập, thấy trong bầy dê của mình, có một con dê bộ ốm và hay run. Mỗi lần hết cơn run, thì nó tìm trong rừng một thứ lá kia mà ăn, ấy là lá café moka hay là abarica bây giờ. Cách ít lâu, thì chủ con dê có ý coi con dê ấy hết đau và mập mạp lại như thường. Nên người ấy đi bẻ lá cây ấy về nấu uống, thấy cũng được được. Đến mùa thấy trái nó chín tốt, thì lại bỏ hái lá, đi hái trái nó, phơi khô giã nấu uống, thì thấy bổ khỏe. Lần lần người ta bắt chước và lấy hột ương trồng gần nhà, cho tiện bề gia dụng. Ấy là gốc cây café, vốn nó là cây rừng nên rày nó ưa trồng nơi rừng rú im mát. Chỗ phong thổ chịu mà không có cây bóng, thì trồng café tốn công nhiều, vì phải trồng cây bóng, phải bỏ phân, vì ở nơi cây rậm, thì lá nó cũng như phân. Tôi thấy nhiều sở làm đất kỹ lắm, đào hết gốc cây, bỏ phân thiệt nhiều, song đến mùa nắng, thì café héo hết và con bò xè hay ăn nhiều. Còn những người nhà quê, trồng ít nhiều theo lối bóng mát xung quanh nhà, không tốn kém bao nhiêu, song café cũng tốt và lợi nhiều hơn trồng thứ khác.
Vậy khuyên ai nấy hãy chiêm nghiệm và trồng café ít nhiều, trước thì cũng có lợi mà lo việc thuế viết, sau thì trong vườn mình có hoa lợi, nên có việc gì chích mích, ít hay chạy, vì tiếc. Còn không, vườn trống trơn, thì hay chạy lắm, mà sự chạy cũng là sự thiệt hại nhiều. Sự trồng café cũng như các nghề khác, tùy gia phong kiệm, cứ tùy sức mình mà trồng lần hồi, đừng rán mà trồng một lần cho thiệt nhiều, rủi đất không chịu hay là bị sự gì rủi ro khác mà phải bỏ việc, thì lỗ to lắm. Ta cứ sách thường người nhà quê ta hay trồng mà trồng, đừng bắt chước các sở, vì họ có vốn to, làm kỹ lắm, mà sự phí tổn cũng nhiều lắm, ta bì sao lại. Lại khuyên một đều, là đừng trồng sát bên nhà, vì gần nhà lắm, thì sinh rậm rạp, gió vô không được, thì sinh muỗi nhiều, mà muỗi nhiều, thì rét nhiều: sợ tiền bán café, không đủ tiền mua thuốc rét.
Có nhiều thứ café: thứ moka ta thường có, là thứ có tiếng trên xứ Kontum. Thứ chari là thứ lớn lá mà nhỏ hột, là thứ các sở hay trồng nhiều. Nghe nói nó chịu nắng, con bò xè ít ăn, song lâu có trái, sáu bảy năm mới trông ăn, lại nghe nói hạ giá, ít người muốn mua. Có thứ khác nữa kêu là robusta (café trâu). Thứ này mạnh lắm, chỗ nắng nôi nó cũng chịu được, các cha ở Annam hay trồng. Trái lớn lá to, cây lớn, lâu năm mới có trái và sống lâu lắm. Thứ này càng hạ giá hơn nữa.
Trong ba thứ café trên nầy, thì tưởng có thứ moka hay là abarica, ta quen kêu là café sẻ, nên trồng hơn, vì mau ăn, có giá hơn, lại mình trồng không bao nhiêu, dễ săm soi coi sóc hơn.
Có kẻ phản đối rằng: trồng chi mất công, bây giờ café rẻ, không bằng nửa giá khi trước. Tôi xin thưa lại: bây giờ vật gì vật gì cũng rẻ, mà biểu café cao giá sao được. Khi xưa một vuôn lúa một đồng, bây giờ một đồng ba vuông. Khi xưa công nhựt một ngày năm cắc, bây giờ hai cắc không ai mướn. Mọi sự cũng  phải tùy thì tùy tiện mà chớ.
                                                             P. Ban
                          (Trích: Tạp chí “Chức dịch Thơ tín”, Địa phận Kontum -

                                      số 30, 10/1935, trang 355-357).

TÊRÊXA - MÁI TRƯỜNG NGÀY ẤY...




TÊRÊXA - MÁI TRƯỜNG NGÀY ẤY...

            Trong cuộc đời đi học của tôi, thời gian 3 năm đầu tiên tại trường Tư Thục Trung Tiểu học Thánh Têrêxa, do quý Soeurs dòng Thánh Phaolô quản trị, đã ghi vào tâm hồn tôi những trang đẹp đẽ và nhiều kỷ niệm khó phai nhoà.

            Đó là khoảng thời gian từ năm 1972 đến 1975. Một buổi sáng mùa thu, ba tôi dắt tay tôi bước vào cổng trường. Biết bao cảm xúc xốn xang, lạ lẫm của “ngày đầu tiên đi học”, đúng như dòng cảm xúc mà nhà văn Thanh Tịnh đã tài tình nói hộ cho những đứa trẻ ngày đầu tiên đến trường. Vào Văn Phòng mua sách tập đồ và viết chì xong, ba tôi đưa tôi đến lớp học. Tôi bịn rịn rơi nước mắt níu áo ba tôi khi người quay về để lại tôi trước thềm lớp học. Thế rồi có một Soeur đến vuốt đầu tôi và dẫn tôi vào lớp. Đó là lớp Mẫu Giáo do cô Ngọc chủ nhiệm. Lên lớp trên, tôi còn được học với cô Giáo và một vài Soeurs nữa…       
  
            Trường Thánh Têrêxa Tân Hương ngày xưa nguyên là ngôi trường do Cố Hiền (Jules Alberty-cha sở giáo xứ Tân Hương 1913-1948) xây dựng từ năm 1931, tọa lạc trên khu đất bên hông phải nhà thờ Tân Hương. Đến đầu năm 1932, trường do các nữ tu Mến Thánh Giá Bình Định lên phục vụ, dạy văn hoá cho các em người Kinh lẫn Dân tộc. Đến niên khoá 1940-1941, trường được chuyển giao cho các Nữ tử Bác ái Vinh Sơn phụ trách, mở các lớp xoá mù chữ và tiểu học, dạy may, thêu, nữ công gia chánh…

            Năm 1958, thị xã KonTum khá phát triển, dân số tăng nhanh, nhu cầu văn hoá ngày càng cao, Toà Giám Mục Kon Tum quyết định mở rộng trường tư thục Têrêxa, nâng lên bậc Trung học, xây mới lại hoàn toàn cơ sở trường lớp ngay tại vị trí trường PTTH Kon Tum bây giờ. Năm 1958 cũng là năm hội dòng Thánh Phaolô đáp ứng lời mời gọi của Đức Giám Mục Giáo phận Paul Seitz Kim, gởi các nữ tu lên Kon Tum phục vụ. Đức Cha liền giao cơ sở trường Têrêxa mới này cho các Soeurs Phaolô quản trị. Nhà các Sơ (tu viện) là một toà nhà hai tầng toạ lạc liên thông với nhà trường nên rất thuận tiện trong việc điều hành. Cộng đoàn của các Soeurs vì vậy mà cũng mang tên Thánh Têrêxa (Hài Đồng Giêsu), vị thánh nữ truyền giáo bằng cuộc đời nhỏ bé, thầm lặng nhưng kết hiệp thâm sâu với Chúa Giêsu.

Trường có đầy đủ tiện nghi cần thiết cho việc dạy và học. Ngoài một văn phòng nơi cung cấp sách vở, dụng cụ học tập, còn có một hội trường khá lớn có sân khấu. Cứ đến cuối năm học, trong buổi lễ tổng kết phát thưởng, các lớp đều tham gia diễn văn nghệ tại sân khấu này. Ba dãy lớp học thoáng rộng, có sân chơi với những hàng cây phượng và huynh diệp râm mát. Sỉ số mỗi lớp học hợp lý, không quá đông…Ngoài các môn học chính khoá, nhà trường còn có các lớp nữ công gia chánh do chính các Soeurs hướng dẫn như thêu đan, làm hoa giấy, cắt may… và nhiều việc thủ công khác. Cách tổ chức và quản trị học vụ của quý Soeurs Têrêxa thời ấy thật hoàn hảo, kỷ luật học đường nghiêm chỉnh, đội ngũ giáo sư uy tín…

            Tôi còn nhớ mãi hình dáng nhỏ nhắn, nét mặt hiền hậu của Bà Nhất Hiệu trưởng Marie Paul Võ Thị Mỹ. Tôi không sao quên được chữ ký đậm chắc đầy uy lực của Bà Nhất Hiệu trưởng trong Thông Tín Bạ (Học Bạ bây giờ) và trên Bảng Danh Dự (một loại giấy khen) cấp hàng tháng cho các học sinh có vị thứ nhứt, nhì, ba trong lớp. Tôi vẫn nhớ cảm giác vui sướng mỗi khi được xướng tên lên cột cờ lãnh Bảng Danh Dự. Đó thật sự là niềm hãnh diện đối với bạn đồng học tại trường, còn khi về nhà thì đem trình khoe với ba má và ông nội để được ông thưởng cho 5 đồng xu ăn quà. Tôi nhớ cả gương mặt các Souers dạy học hay giám thị như bà Bernadette, Madelenne…

            Mặc dù rất bận rộn với công tác học đường, các nữ tu vẫn không quản ngại hết mình phục vụ trong những công tác tông đồ tại giáo xứ Tân Hương. Không những chỉ dạy văn hoá, các nữ tu còn chăm sóc đời sống tinh thần, đạo đức và dạy giáo lý cho các em. Vào thời đó, mỗi sáng Chúa nhật chúng tôi được học giáo lý bên trường Têrêxa, do các nữ tu và một số giáo lý viên giáo xứ hướng dẫn. Sau mỗi giờ giáo lý bên trường, chúng tôi được hướng dẫn đi theo hàng trật tự sang nhà thờ dự thánh lễ dành cho thiếu nhi, ngang qua một cánh cổng nối liền phía sau nhà thờ. Sơ Nghĩa, Sơ Huê…là những người đã ươm mầm đức tin tuổi ấu thơ, đưa chúng tôi đến với bí tích Thánh Thể qua lớp xưng tội rước lễ lần đầu, và những lớp giáo lý tiếp theo.

Về sau tôi được biết thêm những điểm nổi bật nhất trong những năm phát triển của cộng đoàn Têrêxa Tân Hương là những công tác tông đồ trong giáo xứ: dạy giáo lý thiếu nhi, giáo lý hôn nhân, sinh hoạt Nghĩa binh Thánh Thể, đạo binh Đức Mẹ (Legio Mariae), phụ trách ca đoàn, lo phòng thánh, thăm viếng an ủi các gia đình, những người già yếu bệnh hoạn và dạy tân tòng…

Sau 1975, tôi phải tạm xa ngôi trường yêu dấu, vì ngôi trường đã bị Nhà Nước trưng thu. Các Sơ Têrêxa cũng không còn quản trị học vụ tại trường mà buộc phải âm thầm lui về tu viện, bắt đầu cuộc sống mới trải qua biết bao thăng trầm…Từ đây, ngôi trường thuộc quyền Nhà Nước được sử dụng làm trường Cấp 3, không còn dành cho cấp tiểu học.Tôi cũng phải bắt đầu cuộc đời đi học đầy gian khổ qua nhiều ngôi trường khác nhau như trường Ngô Quyền (trường Công-Kon Tum cũ, lớp 3), trường Quyết Thắng 3 (Bồ Đề cũ, lớp 4), trường tạm Nông Lâm Súc (trại Nguyễn Huệ cũ, lớp 5), trường Lý Tự Trọng (Hoàng Đạo cũ, lớp 6 đến 9). Lên cấp 3 tôi mới có dịp học lại trường Têrêxa, vẫn mái ngói tường vôi cũ rêu phong và những hàng phượng nay đã già cỗi lại tiếp tục cùng tôi lèo lái con đò học vấn. Vào những buổi tan học hay những giờ ra chơi ngồi suy nghĩ vẩn vơ, nhìn về hướng nhà các Soeurs bị ngăn cách với ngôi trường bởi một tường rào phủ kín dây leo hoa tigôn,  những kỷ niệm thuở đầu đời đi học lại hiện về, không chỉ là những hoài niệm, mà cả sự kính phục mến yêu đối với những con người đã nguyện hiến trọn đời mình cho việc truyền giáo, mà quý Soeurs Têrêxa như những “kỹ sư tâm hồn” giúp khai mở và vun trồng tri thức-đạo đức làm người.

            Ngày nay, các nữ tu Phaolô – cộng đoàn Têrêxa Tân Hương vẫn tiếp tục sứ mạng truyền giáo, luôn vui vẻ nhiệt thành phục vụ, góp phần xây dựng giáo xứ và giúp cho giáo hữu Tân Hương được sốt sắng và đến gần Chúa hơn, đồng thời mở rộng địa bàn phục vụ đến những anh chị em vùng sâu vùng xa, các làng dân tộc. Xin cảm ơn quý Soeurs thật nhiều! Xin cảm ơn Têrêxa – ngôi trường ngày ấy…

Trường cũ Cấp 3 Kontum hôm nay
...Nay là Trường PTTH Kon Tum

---o0o---

Nhân kỷ niệm 50 năm hiện diện và phục vụ
tại giáo xứ Tân Hương – Kon Tum
của quý nữ tu dòng Thánh Phaolô, cộng đoàn Têrêxa.
                                                                                           
                                                                                Phêrô Lê Minh Sơn

CHA PHILÍPPHÊ ĐỀ - Linh mục người Kontum đầu tiên của Vùng Truyền Giáo Tây Nguyên




Lm Philípphê Đề
 (1895-1937)

CHA PHILÍPPHÊ ĐỀ - Linh mục người Kontum 
đầu tiên của Vùng Truyền Giáo Tây Nguyên

Cha Philípphê Đề là linh mục người Kon Tum đầu tiên, được phong chức vào năm 1925, sau 77 năm Tin Mừng đến với Tây Nguyên, kể từ ngày thầy sáu Phanxicô Xaviê Nguyễn Do, theo lệnh Đức Cha Stêphanô Cuénot (Thể) mở đường thành công lên miền đất này (1848). Khi đã đặt được cơ sở trên Miền Truyền Giáo Kon Tum (1851), Đức Cha và các Cha liền bắt tay vào việc đào tạo linh mục bản xứ. Một Chủng viện được thiết lập ngay trung tâm miền Kon Tum (tại Rơhai – khu vực nhà thờ Tân Hương ngày nay), nhưng Chủng viện phải sớm đóng cửa vì lý do thủy thổ khắc nghiệt – gây bệnh tật chết chóc cho các chủng sinh đến từ đồng bằng; còn đối với miền Kon Tum thì vì mới đón nhận đạo Chúa, và việc học văn hoá còn sơ khai, chưa đáp ứng được đòi hỏi của việc đào tạo ơn gọi. Chỉ đến khi Trường Cuénot – trường đào tạo thầy giảng (Yao Phu) và ươm mầm linh mục, được xây dựng và đi vào hoạt động (1908), thì công việc đào tạo linh mục mới thật sự bắt đầu trở lại một cách bài bản và có kết quả, dù còn rất khiêm tốn. Và từ ngôi trường – chủng viện Cuénot này (theo cách nói của cha Jannin), đã là nơi xuất thân của nhiều linh mục bản xứ Kon Tum. Cha Philípphê Đề là người đầu tiên trong số đó.

1. Gia đình và thân thế.

          Cha Philípphê Đề sinh năm 1895 tại họ đạo Trại Lý (sau đổi tên Gò Mít – nay là giáo xứ Tân Hương, giáo phận Kon Tum), trong một gia đình đạo đức. Cha ngài mất sớm, còn mẹ là bà Lý là người phụ nữ đức hạnh, giúp việc cha sở Tân Hương lâu năm. Theo cha Phaolô Lê Đình Ban ghi lại, khi cha mới lên Kon Tum (năm 1914), ở Tân Hương làm cha phó cha Alberty (cố Hiền), hàng tuần cứ đến thứ tư thì bà Lý đưa các trẻ em nữ đến nhà xứ để cha khảo hạch giáo lý, dạy dỗ thêm. Cha nhận thấy các em siêng năng sốt sắng và hiểu lẽ đạo khá, thì hay khen bà Lý có lòng đạo đức và biết cách hướng dẫn chỉ bảo các em.

          Được có một người mẹ đạo đức, gương mẫu như vậy, cha Đề hẳn đã hấp thụ một nền giáo dục tốt từ gia đình. Ngay khi còn nhỏ, trẻ Philípphê Đề có tính nết hiền lành, thật thà, ngay thẳng. Chắc chắn việc học giáo lý, tham dự thánh lễ tại nhà thờ giáo xứ, tập làm các việc nhân đức… là những điều mà em thực hành thường xuyên, ít khi nào bê trễ.

2. Con đường tiến đến chức linh mục.

Năm 1908, Trường Chân Phước Cuénot vừa được xây dựng xong và khánh thành (13.01.1908), nhằm đào tạo thầy giảng người dân tộc (Yao Phu) và ươm trồng ơn gọi linh mục. Cha Martial Jannin (Phước) được đặt làm giám đốc trường. Năm ấy cha Đề vừa tròn 13 tuổi, đã được cha giám đốc tuyển chọn vào học trường Cuénot khoá đầu tiên. [Khoá đầu tiên 1908 có tất cả 89 học trò nhập học, qua tuyển lọc còn 50 em;  trong số đó sau này có 24 chú làm Giáo phu, và đặc biệt chỉ một mình chú Philípphê Đề đi đến chức linh mục]. Trong trường Cuénot, các học trò hàng ngày được tập rèn khép mình vào kỷ luật, thực hành kinh nguyện, học tập văn hoá…, và bước đầu học tiếng La tinh, do cha Alberty (Hiền) hướng dẫn. Nhận thấy trẻ Philípphê Đề không những hiền lành đạo đức, mà còn sáng trí, nên năm 1909, Bề trên chọn gởi đi Tiểu Chủng viện Làng Sông (Qui Nhơn) để tu học trở thành linh mục. Tại TCV Làng Sông, chú Đề về sức học cũng vừa theo kịp các bạn đồng lớp, nhưng tính hạnh thì ai cũng khen: hiền lành thật thà, không bao giờ giận ai, không bao giờ mất lòng ai. Hạnh kiểm tốt của chú được cha giám đốc Chủng viện ghi nhận và báo về cha Bề trên Kon Tum, làm ai nấy đều vui mừng và hy vọng. Mãn Tiểu chủng viện, thầy Đề được Đức Giám Mục Địa phận Đông Đàng Trong chỉ định đi thực tập mục vụ 2 năm tại họ đạo Gò Thị (Bình Định). Đây là một họ đạo kỳ cựu, số giáo dân đông và ruộng đất phì nhiêu, nơi đặt Toà Giám Mục (cũ) thời Đức cha Cuénot, có tu viện của các nữ tu Mến Thánh Giá…Nơi đây là quê hương các thánh tử đạo, như thánh Giám mục Stêphanô Cuénot (Thể), thánh  Anrê Năm Thuông (Nguyễn Kim Thông).v.v., càng hun đúc thêm tinh thần truyền giáo và lòng trung thành bền đỗ nơi thầy. Sau 2 năm giúp xứ chu toàn bổn phận, thầy được gọi trở lại tiếp tục tu học tại Đại Chủng viện Qui Nhơn. Và đến năm 1925, thầy Philípphê Đề thụ phong linh mục, do Đức Cha Damien Grangeon (Mẫn), giám mục giáo phận Qui Nhơn truyền chức. Cha Philípphê Đề là vị linh mục địa phương Kon Tum đầu tiên, sau 77 năm kể từ khi Tin Mừng được gieo vãi trên miền đất này vào năm 1848. 

 
Giáo phận Đông Đàng Trong. – Toà nhà chính của 
Trường học-Chủng viện Cuénot, Kon Tum; 
hình vẽ lại từ một tấm ảnh của Cha Jannin*

 3. Hoạt động mục vụ.

          Lãnh nhận chức linh mục rồi, Đức Cha Qui Nhơn sai ngài về lại phục vụ quê hương Kon Tum, và Bề trên Kon Tum (lúc đó là Cha Jannin Phước) chỉ định ngài phụ trách địa sở Kon Sơlăng – Plei Tơuer. Kon Sơlăng – Plei Tơuer là một địa sở gồm 2 sắc dân: Bana và Jơrai. Dân Bana tòng giáo đã lâu, giữ đạo có phần nề nếp hơn; còn dân Jơrai mới theo đạo, và còn vướng nặng với các tập tục mê tín, nên ngài phải vất vả với họ nhiều. Ở đó cũng có một họ nhỏ người Kinh là họ Tân Phước (gốc dân Tân Hương, lập từ năm 1924), dù bổn đạo còn ít song ngài cũng lo lắng cất nhà thờ riêng cho họ.

          Năm 1937, nơi vùng dân tộc Jơrai rộ lên phong trào mê tín dị đoan về Dam Klan (thần xà), loan truyền về “thần mới, đạo mới”. Trong địa sở Kon Sơlăng cũng có nhiều làng đi xin “nước linh” của Dam Klan và giết trâu bò cúng tế. Cha Đề rất lo lắng và buồn lòng. Trong báo cáo gởi Đức giám mục địa phận (Đức Cha Martial Jannin Phước), cha đã trình rằng: Dân Jơrai thiệt yếu đuối về đức tin và cứng cỏi về việc đạo, dù con hết lòng dạy dỗ lo lắng thế nào, thì họ cũng lãng xao như dân ngoại. Bởi lo sợ giáo dân nghe theo kẻ ngoại làm điều mê tín dị đoan, nên ngài cất công đi từ làng này qua làng khác, nhằm lúc mùa mưa lụt, nhiều khi ngài phải ướt cả mình. Do vậy, đầu tháng 6.1937, ngài bị bệnh thương hàn rất nặng, tưởng chừng không qua khỏi. Nhờ ơn Chúa và uống thuốc men, nên bệnh thương hàn đã khỏi, nhưng lại phát qua bệng thũng. Đức Cha đưa ngài về Kon Tum chữa trị, uống thuốc nhà thương Kon Tum., sau chuyển xuống nhà thương Qui Nhơn, nhưng bệnh tình không thuyên giảm. Ngài xin chuyển qua điều trị bằng thuốc Nam, ban đầu theo thầy thuốc ở  huyện Bồng Sơn, sau đến ở nhà một người bà con ở họ Trung Yên (Bình Định), tìm thầy hốt thuốc,  nhưng bệnh tình cứ ban đầu có dấu bớt, sau lại trở nặng hơn. Biết khó chữa khỏi, ngài viết thơ xin Đức Cha và cũng nhắn tin nhờ các cha nói cho mình được về Kon Tum, để nếu có chết cũng ở giữa anh em linh mục và bà con  bạn hữu. Nhưng Đức Cha còn hy vọng nên khuyên ngài ra lại nhà thương Qui Nhơn chữa trị. Lúc ấy ngài rất buồn nhưng cũng sẵn lòng ra đi: Tôi đi là vâng lời Đức Cha, vì vâng lời hơn của lễ, chớ phần tôi thì ước ao về Kon Tum mà thôi!

          Ngài vào nhà thương Qui Nhơn, đến đầu tháng 11/1937 thì bệnh trở lại rất nặng. Và 8 giờ sáng ngày 4/11/1937, Cha Philípphê Đề đã trút hơi thở cuối cùng, an nghỉ trong Chúa. Các Cha trong vùng lân cận lo đem xác ngài về nhà thờ Thác Đá. Nhận được tin, các Cha Kon Tum gồm Cha Phan, Cha Ban, Cha Stutzmann (Báu) và một cha nữa, thay mặt Đức Cha Kon Tum xuống Qui Nhơn lo liệu việc an táng. Giáo dân 2 họ Thác Đá và Trung Yên thay nhau cầu lễ. Và ngày 6/11/1937, thánh lễ an táng Cha Đề tại nhà thờ Thác Đá do Cha Phan, là niên trưởng các Cha người Kinh ở Kon Tum, chủ tế. Cha Ban nói lời cám ơn, và Cha Stutzmann (Báu) làm phép tại huyệt mộ. Cha Philípphê Đề đã được an táng tại Nghĩa địa các đấng tử đạo thời Văn Thân (1885), ở gần bên nhà thờ Thác Đá. Nơi đây, ngài an nghỉ chờ ngày phục sinh cùng các đấng tử đạo.

          Tuy cuộc đời ngắn ngủi với 42 năm tuổi đời, 12 năm linh mục, nhưng Cha Philípphê Đề được biết đến là một linh mục hiền lành, đạo đức, tận tuỵ với công việc mục vụ. Ngài là hoa trái đầu tiên của địa phận Kon Tum, báo hiệu những kết quả tốt đẹp hơn trong việc đào tạo linh mục bản xứ cho miền truyền giáo Tây Nguyên này.

-P. Lê Minh Sơn-         
                                                                                                                      
—————————– 
Tài liệu tham khảo:
1/ Cha Phaolô Ban, “Hạnh tích cha Đề”, Tạp chí Chức Dịch Thơ Tín, Địa phận Kon Tum, số 58, tháng 2/1938, tr. 789-791.
2/ Hlabar Tơbang, Hnam trưng Kuênot, số 1, năm 1911, mục “Măt tôm de hok tro xo”, tr. 1-3.
3/ Kỷ yếu Năm Thánh Yao Phu, Giáo phận Kon Tum 2008, mục“Danh sách học sinh trường Cuenot năm 1908”, tr. 50-51.
4/ Thư của cha Martial Jannin, Hội Thừa sai Paris, năm 1910 (tiếng Pháp) – “Một vườn ươm thầy giảng và linh mục ở xứ Bahnar”.
*Hình trường Cuénot trong bài này được được trích từ bức thư trên.